Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại Phiên họp
Tại phiên họp thứ nhất, thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe dự thảo Thông báo phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh; tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trịvề đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạovà chuyển đổi số quốc gia; tham gia ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và một số nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thiết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện năm 2025.
Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trên, trong đó chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số toàn diện và xây dựng hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số phục vụ cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ngoài ra, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được quan tâm, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phiên họp đã nghe các đại biểu tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến vào các dự thảo quan trọng như: Phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, tình hình thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động thực hiện nghị quyết và các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thiết trong năm 2025. Các ý kiến tập trung vào việc triển khai các dự án khoa học công nghệ trọng điểm trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch, y tế, sở hữu trí tuệ và chuyển đổi số.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các thành viên BCĐ. Đồng chí nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp này cho thấy sự nhận thức sâu sắc về sự cấp thiết của việc triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ sự chuyển biến của việc "chuyển từ bị động sang chủ động", để thấy được tầm quan trọng và tính cấp thiết trong việc triển khai, vì đây không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách mà còn là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị cơ quan thường trực BCĐ phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tiếp thu đầy đủ các ý kiến, để từ đó chủ động hơn nữa trong việc tham mưu các hoạt động của BCĐ. Công tác xây dựng Chương trình hành động cần phải tuân thủ các định hướng chung của Trung ương, của cả nước, nhưng đồng thời phải bám sát vào thực tiễn của tỉnh để đảm bảo tính khả thi. Cần có các chương trình, kế hoạch cụ thể, xây dựng một cách thực tế, có lộ trình rõ ràng và đặc biệt là phải đạt được mục tiêu thay đổi vị trí của Điện Biên trong việc chuyển đổi số, không còn nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số thấp trong cả nước.
Về các đề tài khoa học công nghệ, đồng chí Trưởng BCĐ đồng ý với các đại biểu về việc cần phải lựa chọn những nhiệm vụ cấp thiết, có tính khả thi cao và có tác động rõ rệt đến sự phát triển của tỉnh. Đối với các đề tài đã có trong danh mục đề xuất thực hiện, cần phải xác định rõ ràng các nhiệm vụ mà Nhà nước cần thực hiện, doanh nghiệp đăng ký thực hiện và sự tham gia của người dân. Đồng chí lưu ý một trong những nhiệm vụ quan trọng là việc đánh giá tài nguyên của tỉnh (rừng, đất đai, khoáng sản cũng như các thắng cảnh thiên nhiên). Đây sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng các chiến lược phát triển lâu dài, bền vững; cần phải sử dụng nguồn lực tài năng, nhân lực sẵn có trong tỉnh để triển khai các nhiệm vụ này. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có khu công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, nơi có thể phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong thực tiễn. Cũng cần quan tâm thực hiện việc số hóa toàn bộ dữ liệu về di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, đây không chỉ là việc bảo tồn di sản văn hóa mà còn là việc tạo ra nguồn dữ liệu quý giá để phát triển du lịch, giáo dục và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó cần tập trung vào việc thúc đẩy các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án có tính khả thi cao và có thể tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; lĩnh vực quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lĩnh vực lý luận của Đảng, bảo vệ cương lĩnh của Đảng cũng cần được ưu tiên trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số để thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới an toàn và hiệu quả.