TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ chuyển biến tích cực
  • Thời gian đăng: 10/07/2022 05:12:12 PM - Lượt đọc: 6924
  • Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Điện Biên được thành lập là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong công tác xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
  • Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Trung ương, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức về vai trò, trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được được nâng lên. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản… Một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện và chỉ đạo xử lý nghiêm minh, triệt để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ năm 2012 đến nay các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 07 tổ chức đảng và 433 đảng viên, trong đó có 36 đảng viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng do tham nhũng, cố ý làm trái. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 79 tập thể, 478 cá nhân có sai phạm; đã xử lý kỷ luật 83 người, thu hồi kinh tế với tổng số tiền hơn 96 tỷ đồng, hơn 53 ha đất; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra khởi tố đối với 03 vụ việc, 05 đối tượng có hành vi tham nhũng. Các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, xét xử 18 vụ án tham nhũng, thu hồi gần 28 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi tài sản đạt 100%. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo đối với 01 vụ án tham nhũng, cho chủ trương đối với 01 vụ án và 04 vụ việc theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Với những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng trong phòng ngừa sai phạm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

    20220630_102909.jpgHội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực điểm cầu tỉnh Điện Biên

    Tại Đại hội XIII Đảng ta xác định “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Vì vậy, phải tiếp tục “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Do đó, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với cấp uỷ các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức quan trọng và nặng nề. Nhằm cụ thể hóa những mục tiêu, quan điểm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngay đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 15/7/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 07/5/2021 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 29/11/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên giai đoạn 2020-2025; Quy định về sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đối với công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Điện Biên; ban hành 11văn bản về phối hợp trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

    Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 02/6/2022 Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ngày 10/6/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Quyết định số 2042-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Điện Biên gồm 15 đồng chíđảm bảo số lượng, cơ cấu theo đúng quy định của Trung ương (Điện Biên là 1 trong 5 tỉnh trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo sớm nhất). Theo quy định, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Điện Biên có 09 nhiệm vụ, 06 quyền hạn, chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

    Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh được thành lập theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhưng cũng đồng thời xuất phát từ thực tiễn khách quan, do những đòi hỏi, yêu cầu trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cùng với đó là sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Để Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả, phát huy được vai trò, thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, trước mắt là thực hiện tốt nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2022, Ban Chỉ đạo tỉnh phải bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên. Thực hiện dân chủ trong thảo luận và quyết định các vấn đề cuộc thẩm quyền đảm bảo theo đúng nguyên tắc “Tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện”, nhằm tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện. Phát huy trí tuệ của tập thể và vai trò, trách nhiệm của từng thành viên, nhất là sự gương mẫu, đi đầu của các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnhXây dựng, ban hành chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022 khoa học, phù hợp với nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tiễn của địa phương. Tập trung chỉ đạo, tiến hành rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, quy chế phối hợp đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện. Tổ chức có chất lượng các phiên họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đối với một số một số cấp ủy, tổ chức đảng. Chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát báo cáo, đề xuất đưa các vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo theo quy định. Có kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Quan tâm củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Ban Nội chính Tỉnh ủy (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh). Chỉ đạo các cơ quan chức năng, cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo bố trí, phân công cán bộ làm đầu mối phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin…

    Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong thời điểm hiện nay “đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã thực sự trở thành phong trào, xu thế”. Với quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực trong triển khai nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, nhất là sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV.

                                                                                                                                                       Bài, ảnh: Thế Dũng

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: