Cựu chiến binh Bạc Cầm Phiu, bản Nà Dên, xã Búng Lao chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội CCB huyện Mường Ảng cho biết: Hàng năm, Hội CCB huyện đều tổ chức học tập, quán triệt những nội dung của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua hội nghị hoặc lồng ghép các đợt sinh hoạt của hội đến từng cán bộ, hội viên. Phương châm truyền thông là: Ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương. Với phẩm chất sẵn có của người lính, các hội viên luôn chủ động học tập, tự rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống, tích cực tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, tổ chức hội ở khu dân cư.
Ðiều dễ nhận thấy trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, hội viên Hội CCB huyện Mường Ảng là luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nói đi đôi với làm... nhất là trong phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên.
Hàng năm, Hội CCB huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều buổi tập huấn cho hội viên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ gia đình hội viên vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất với số tiền trên 85 tỷ đồng. Nhiều hội viên đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Ðến nay, toàn hội có trên 70 mô hình CCB làm kinh tế tiêu biểu, trong đó 20 mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 150 triệu/năm; 7 mô hình cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
CCB Lường Văn Tụi ở bản Bua, xã Ẳng Tở là một trong những hội viên điển hình luôn nỗ lực vươn lên về mọi mặt trong cuộc sống. Ông Tụi cho biết, năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế về Ðại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 35, Quân khu 2. Sau những năm tháng chiến đấu và rèn luyện trong quân ngũ, đến năm 1991, ông nghỉ hưu theo chế độ. Những năm đầu, cuộc sống ông Tụi gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Thế nhưng, với ý chí của người lính, ông Tụi mạnh dạn vay vốn của bạn bè, người thân trong gia đình để xây dựng chuồng nuôi lợn, đào ao thả cá và khai hoang đất trồng lúa nước. Ông còn phát triển thêm nhiều diện tích cây ăn quả và cà phê. Chẳng phụ công người, hàng năm, mô hình kinh tế của gia đình CCB Lường Văn Tụi đều cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng. Không những đã trả được số tiền vay mượn, ông Tụi còn làm được ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi, nuôi con cái ăn học trưởng thành.
Cũng như CCB Lường Văn Tụi, CCB Bạc Cầm Phiu là một trong những gương điển hình về phát triển kinh tế ở xã Búng Lao với mô hình vườn - ao - chuồng. Hàng năm, mô hình kinh tế này giúp gia đình ông Phiu thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.
Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế, các cấp hội CCB ở Mường Ảng còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp công sức, vật chất, hiến diện tích đất làm đường nông thôn, nhà văn hóa... Với tinh thần “tương thân, tương ái”, cấp hội còn tổ chức tốt phong trào “Nghĩa tình đồng đội”, xây dựng quỹ thăm hỏi, động viên những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật... Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đời sống của hội viên ngày càng nâng lên, đến nay số hội viên có mức sống khá, giàu chiến trên 60%.
Bên cạnh thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, khắc ghi lời dạy của Bác: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và cần thiết...”, hàng năm, các cấp hội đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc nói chuyện giữa CCB với học sinh tại các cơ sở giáo dục. Qua những câu chuyện về một thời khói lửa chiến tranh, đau thương mà hào hùng của dân tộc, thế hệ trẻ càng thêm ghi nhớ truyền thống cách mạng của cha ông, ra sức học tập, rèn luyện để sau này trưởng thành xây dựng quê hương, đất nước.