TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án
  • Thời gian đăng: 26/05/2020 09:02:58 AM - Lượt đọc: 6790
  • Tại phiên làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra hôm nay (25/5), thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, đại biểu Lò Thị Luyến đã có 4 ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Trong đó, tập trung vào 2 nội dung chính, đó là: Cần quy định cụ thể đơn vị nào sẽ quyết định kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án, cũng như đơn vị nào có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc “Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại tại tòa án”.
  • qh.jpg

    Đại biểu Lò Thị Luyến tham gia ý kiến tại điểm cầu đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

    Theo đó, đại biểu Lò Thị Luyến nhất trí cao về sự cần thiết ban hành luật, cũng như các báo cáo tiếp thu đóng góp Dự thảo luật trước đó. Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng dự thảo, đại biểu bày tỏ một số băn khoăn và tham gia đóng góp ý kiến để Quốc hội xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

    Về kinh phí cho công tác hòa giải được quy định tại khoản 2, điều 6, Dự thảo luật quy định: Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án Nhân dân tối cao. Nội dung này, theo đại biểu Lò Thị Luyến là chưa phù hợp và là quy định lại nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân tối cao và nhiệm vụ của Chính phủ trong việc xây dựng dự toán để trình Quốc hội quyết định kinh phí cho công tác hòa giải. Trong khi đó, theo trình tự được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành thì Tòa án Nhân dân tối cao lập dự toán kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án, sau đó thống nhất với Chính phủ, rồi Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu chỉnh lý lại như sau: Quốc hội quyết định kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án.

    Về trách nhiệm của Tòa án Nhân dân các cấp đối với việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại tại tòa án cho hòa giải viên và các quy định liên quan đến điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên… được quy định tại các điều 7, 10, 14 của Dự thảo luật, đại biểu Lò Thị Luyến cũng chỉ ra một số bất cập trong thực hiện phân quyền, phân cấp tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ… Trên cơ sở đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ; quy định rõ cấp nào, đơn vị nào có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại tại tòa án, đồng thời quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên, để quá trình triển khai thực hiện được thuận lợi hơn.

  • Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn
  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: