TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp, là “phên giậu” vững chắc vùng Tây Bắc Tổ quốc
  • Thời gian đăng: 27/09/2019 03:23:23 PM - Lượt đọc: 6008
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa 65 năm nhưng ý nghĩa, những giá trị lịch sử vẫn mang tính thời sự cho cả hôm nay và mai sau. 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, nêu cao tinh thần đoàn kết, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống anh hùng, nỗ lực phấn đấu xây dựng Điện Biên vững mạnh toàn diện, là “phên giậu” vững chắc trên cực Tây của Tổ quốc.
  • Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc Điện Biên đã đóng góp sức người, sức của cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau giải phóng, Điện Biên bắt đầu công cuộc xây dựng, kiến thiết trong điều kiện bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, đồng ruộng bị cày xới với ngổn ngang vũ khí, bom đạn sót lại. Khó khăn, thách thức là vậy, song phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo; bảo đảm quốc phòng - an ninh; chăm lo xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

    Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015 - 2018 là 8,3%. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư, diện mạo đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay, tiến bộ. Đến nay 100% xã, phường có đường ô-tô đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng điện thoại di động, được sử dụng in-tơ-nét; 79,3% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 88,24% dân số được sử dụng điện, 99% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 79,92% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt; hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cơ bản được hoàn thiện, 63,1% số trạm y tế có cơ sở vật chất đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 62,8%. Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu các loại cây lương thực hiệu quả thấp sang trồng cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao… Tiềm năng sản xuất lúa gạo của cánh đồng Mường Thanh được khai thác hiệu quả. Lúa gạo làm ra không chỉ cung cấp tại địa phương mà còn cung cấp cho các tỉnh khác, thương hiệu gạo Điện Biên có tiếng trên thị trường.

    Các mặt văn hóa - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến. Sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm phát triển; các xã, phường, thị trấn đều có hệ thống trường học, trạm y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe nhân dân. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được nâng lên. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,14%/năm; giai đoạn 2016-2018 giảm 3,69%/năm. Các chương trình, chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2018, tỉnh Điện Biên có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

    Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ xây dựng và củng cố quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Thực hiện củng cố khu vực phòng thủ, kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân; tăng cường các biện pháp phòng ngừa đấu tranh chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; duy trì và mở rộng các hoạt động đối ngoại. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn bảo đảm, góp phần quan trọng tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

    Không chỉ là vùng đất có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, Điện Biên còn là mảnh đất mang ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt. 65 năm qua, Điện Biên vinh dự và tự hào được thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ và phát huy giá trị quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ - một trong 10 di tích đặc biệt của cả nước được công nhận lần đầu. Những dấu tích còn lại của quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, là điểm du lịch hấp hẫn của du khách trong nước và nước ngoài. Điện Biên là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em với những phong tục, tập quán văn hóa phong phú, đặc sắc. Tiềm năng du lịch lịch sử và du lịch văn hóa đã và đang được Điện Biên khai thác, phát huy, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Từ tiềm năng, thế mạnh này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã xác định, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ là một trọng tâm trong phát triển kinh tế, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

    Những chuyển biến, đổi thay và thành tựu nổi bật của Điện Biên sau 65 năm đã khẳng định sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc, niềm tin của người dân đối với đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng góp sức xây dựng một Điện Biên phát triển, ấm no. Trước yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên xác định kế thừa, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng và những thành quả đạt được trong thời gian qua để tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực, đi đôi với mở rộng quan hệ hợp tác thu hút đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động, phát triển mạnh các thành phần kinh tế và kinh tế vùng. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

    Gìn giữ và phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng vừa là trách nhiệm vừa là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Với ý thức mang tinh thần chiến thắng vào công cuộc đổi mới, xây dựng Điện Biên hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, là “phên giậu” vững chắc vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

  • Nguồn tin: nhandan.org.vn
  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: