Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, tặng bức tranh lưu niệm
cho đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La.
Tại buổi gặp mặt Bí thư Tỉnh ủy 2 tỉnh: Điện Biên và Sơn La báo cáo nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của 2 tỉnh trong năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ của năm 2019.
Đối với tỉnh Điện Biên, năm 2018, kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP đạt 10.482,24 tỷ đồng, tăng 7,15% so với năm 2017, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,31 triệu đồng/người/năm, tăng 12,14% so với năm 2017. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 39,74% tăng 0,73% so với năm 2017. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.717,43 tỷ đồng, tăng 12,95% so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 triệu USD, tăng 12,82% so với năm 2017. Đồng thời, tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư là các tập đoàn kinh tế lớn như: Tập đoàn Vingroup, FLC, TH Trumilk, Vietjet Air… quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư và đăng ký dự án đầu tư trên địa bàn. Hệ thống trường lớp mở rộng, kiên cố hóa; quy mô học sinh phát triển tương đối ổn định ở các cấp học; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống bệnh dịch được quan tâm; chương trình, dự án giảm nghèo triển khai thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 3,65% (từ 41,645 năm 2017 xuống 37,45% năm 2018). Công tác quân sự, quốc phòng được triển khai toàn diện, hiệu quả. Năm 2019, tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Năm 2018, tỉnh Sơn La có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đạt 8,59%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.030 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2017; có 1/3 chỉ tiêu hoàn thành trước 2 năm so với Nghị quyết đại hội đến năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng so với năm 2017. Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 115 triệu USD. Trong năm, tỉnh Sơn La đã thu hút đầu tư và đưa vào sản xuất 3 nhà máy, chuẩn bị đưa vào sản xuất 7 nhà máy về chế biến nông sản. Toàn tỉnh có 15 sản phẩm đã có thương hiệu, 566 hợp tác xã và 4 liên hiệp hợp tác xã và 61 chuỗi nông sản an toàn. Năm 2018, tỉnh Sơn La có 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn lên 26 xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,78% xuống còn 25,44%. Năm 2018, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành 20/30 đề án, giảm được 242 đầu mới trực thuộc, 234 cán bộ quản lý và 2.215 biên chế. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, đảm bảo. Năm 2019, Tỉnh Sơn La tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, dự kiến sản lượng quả các loại đạt 410.000 tấn, tăng 1,6 lần so với năm 2018.
Tiếp tục chương trình công tác, ngày 20/2, đoàn công tác sẽ tham gia lễ trồng cây lưu niệm tại khu vực Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La và tham quan một số mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp tại huyện Quỳnh Nhai.