Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Dự làm việc với Đoàn có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Điện Biên; tập thể lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; đại diện Thường trực Thành ủy Điện Biên Phủ và Huyện ủy Mường Ảng.
Theo báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, tổng nguồn vốn tín dụng được giao, huy động và uỷ thác trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến ngày 31/8/2023 là 4.344.899 triệu đồng, tăng 2.722.916 triệu đồng so với năm 2014; NHCSXH tỉnh đã triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo một cách kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội được thực hiện chặt chẽ, kịp thời; 100% món vay được các Hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã và Ban quản lý tổ TK&VV thực hiện kiểm tra thực tế ngay sau khi giải ngân vốn vay, đảm bảo nguồn vốn được giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn thực hiện thường xuyên, kịp thời, giai đoạn 2014-2023, số nợ đến hạn đã thu hồi để cho vay quay vòng là 8.614 tỷ đồng, chiếm trên 98% số nợ đến hạn. Đến thời điểm 31/8/2023, nợ quá hạn là 8.815 triệu đồng, giảm 420 triệu đồng so với năm 2014, chiếm tỷ lệ 0,2% trên tổng dư nợ.
Trong giai đoạn 2014-2023, trên địa bàn tỉnh đã có 217.311 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội, trong đó có trên 37 ngàn lượt hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo; có 1.151 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; gần 14.500 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 223 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 37 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo; có 4.048 căn nhà của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo,...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng của tỉnh, đặc biệt là đường giao thông đến xã, bản, để người dân nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay; nâng hạn mức cho vay xây dựng hoặc cải tạo công trình nước sạch hoặc vệ sinh tại nông thôn từ 10 triệu đồng/hộ lên mức 20 triệu đồng/hộ; có chính sách chi phụ cấp cho Trưởng thôn/bản khi tham gia thực hiện quản lý, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Phát biểu kết luận, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Điện Biên trong việc tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội, có cách làm mới, hiệu quả trong bối cảnh tỉnh còn nhiều khó khăn; kết quả huy động nguồn vốn tín dụng, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn đúng quy định và hiệu quả sử dụng tốt, góp phần giảm nghèo bền vững; hình thành quỹ hoàn lương sử dụng đúng đối tượng, đúng quy định, rất nhân văn. Đồng chí đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có cơ chế đặc thù riêng đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn như Điện Biên. Đề nghị tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện hiệu quả việc huy động, sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH.
Phan Văn Thắng, VPTU