TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Hội nghị báo cáo viên tháng 4/2023
  • Thời gian đăng: 14/04/2023 04:13:07 PM - Lượt đọc: 6331
  • Ngày 14/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên trực tuyến tháng 4/2023. Các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị… dự Hội nghị tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
  • 14-4-hoi-nghi-bcv.jpg

    Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

         Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy thông tin chuyên đề những nội dung cốt lõi của tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là tác phẩm có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là sự tổng kết thực tiễn phong phú rút ra những vấn đề có tính lý luận và các bài học kinh nghiệm quý để củng cố thêm bản lĩnh, sức mạnh và niềm tin; định hướng giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

         Tác phẩm gồm các bài viết, bài phát biểu, chỉ đạo, tổng kết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trình bày trong 600 trang với 111 bức ảnh, được kết cấu thành 3 phần. Phần thứ nhất “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”; phần thứ hai: Nhất quán phương châm "phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”; phần thứ ba: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”… Đây là tác phẩm có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là sự tổng kết thực tiễn phong phú rút ra những vấn đề có tính lý luận và các bài học kinh nghiệm quý để củng cố thêm bản lĩnh, sức mạnh và niềm tin; định hướng giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới…. Việc quán triệt, tuyên truyền nội dung tác phẩm giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về những nội cốt lõi trong tác phẩm, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

         Lãnh đạo UBND TP. Điện Biên Phủ đã thông tin chuyên đề "Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 21/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm xây dựng TP. Điện Biên Phủ phát triển nhanh, bền vững, trở thành đô thị thông minh, là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của tỉnh, vùng Tây Bắc và Trung du miền núi Bắc Bộ, trở thành cầu nối giao thương giữa các huyện trong tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước và giữa Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào; Thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; các tỉnh Đông Bắc Thái Lan... Mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu kinh tế: Thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 47,28%; công nghiệp - xây dựng chiếm 50,28%; nông -lâm nghiệp - thủy sản chiếm 2,47%; tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt khoảng 35%/năm. Thu nhập bình quân đạt trên 70 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội đạt trên 16.000 tỷ đồng. Xây dựng TP. Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025. Định hướng đến năm 2030 tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt khoảng 42%/năm. Thu nhập bình quân đầu người 94,23 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch đạt trên 20% - 25%/năm.

         Lãnh đạo Phòng Quản lý hành chính và trật tự xã hội (Công an tỉnh) thông tin chuyên đề: Công tác triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong đó xác định việc thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm trong việc thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số; trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc và chủ động tháo gỡ "điểm nghẽn" trong quá trình thực hiện, chịu trách nhiệm về kết quả Đề án 06 tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách. Tiếp tục triển khai quyết liệt việc “làm sạch” dữ liệu và bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nêu cao trách nhiệm, chủ động phối hợp, thống nhất phương thức rà soát, kiểm tra, đối chiếu một cách khoa học, linh hoạt, trong đó chú trọng thực hiện việc đối chiếu thông tin dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại theo đúng quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương, trước mắt ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hạ tầng phục vụ triển khai nhiệm vụ của Đề án 06…

         Các đại biểu cũng được nghe lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy thông tin chuyên đề về Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin chuyên đề Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Chương trình hành động số 04-CTrHĐ/TU, ngày 16/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. 

    Tin, ảnh: Minh Thùy

      

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: