Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.
Buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt chuyên đề Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng chí nhấn mạnh, quản lý và sử dụng đất đai là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm, có sức ảnh hưởng đến hiện tại, tương lai. Vì vậy, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tổng quát hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi nguồn lực đất đai cần được tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, đạt hiệu quả cao nhất nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Mục tiêu cụ thể đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương truyền đạt đã khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tầm nhìn đến năm 2045 được Nghị quyết 19 xác định: Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao… Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, Nghị quyết xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Trong đó đáng chú là nhóm nhiệm vụ giải pháp về nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ và cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
Buổi chiều, đại biểu dự Hội nghị đã nghe đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết xác định, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững, song phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá; trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Hơn 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Đến năm 2045 phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới; bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Sáng mai (22/7), đại biểu dự hội nghị sẽ được nghe quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Tin, ảnh: Minh Thùy