TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Điện Biên qua các thời kỳ (Kỳ 5)
  • Thời gian đăng: 17/10/2021 02:51:04 PM - Lượt đọc: 7457
  • Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ năm 2004 đến nay
  • Tại kỳ họp thứ 4, ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; trong đó có tỉnh Lai Châu được chia tách thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Ngày 25/12/2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 877-QĐNS/TW về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Điện Biên; đồng thời ban hành Quyết định số 878-QĐNS/TW về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Lai Châu. Ban Chấp hành lâm thời của hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004.

    Sau khi chia tách và thành lập đến nay,Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. Trong đó có thành quả của sự đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp.

    Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ngày 14/11/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã tổng kết, đánh giá kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

     1.jpg

    (Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về công tác cán bộ)

    Tính đến 31/12/2016, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh là 27.673 người. Cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh 8.642 người;  trong đó trình độ chuyên môn trên đại học 707 người; đại học 4.236 người; cao đẳng 400 người; trung cấp 2.556 người; sơ cấp 219 người; chưa qua đào tạo 524 người. Trình độ LLCT cao cấp, cử nhân 432 người, trung cấp 532 người. Cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện là 16.191 người; trong đó trình độ chuyên môn trên đại học 31 người; đại học 7.907 người; cao đẳng 4.141 người; trung cấp 3.231 người; sơ cấp 483 người; chưa qua đào tạo 398 người. Trình độ LLCT cao cấp, cử nhân 292 người, trung cấp 1.047 người. Cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn là 2.840 người; trong đó trình độ chuyên môn đại học 464 người; cao đẳng 212 người; trung cấp 1.596 người; sơ cấp 71 người; chưa qua đào tạo 497 người. Trình độ LLCT cao cấp, cử nhân 55 người, trung cấp 925 người.

    Về tổng thể, số lượng và chất lượng cán bộ trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn này cao hơn rất nhiều so với giai đoạn 1986 - 2003, do điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có những bước tiến vượt bậc so với giai đoạn trước, có nhiều điều kiện hơn trong công tác giáo dục, đào tạo. Hầu hết đội ngũ cán bộ các cấp đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng; có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật. Nhiều cán bộ mạnh dạn đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có khả năng vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước vào thực tiễn địa phương, đơn vị, góp phần tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp cơ bản đảm bảo về số lượng, cơ cấu theo quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội. Đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, được rèn luyện thử thách trong thực tiễn, nắm bắt, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh ở cơ sở, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh; có năng lực tổ chức thực tiễn và khả năng đoàn kết, quy tụ cán bộ.Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từng bước được xây dựng để đảm bảo sự kế tiếp 3 độ tuổi trong cơ cấu đội ngũ cán bộ. Tăng dần tỷ lệ cán bộ nữ tham gia trong các cấp uỷ Đảng và các vị trí lãnh đạo cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở.

    Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; chất lượng đào tạo cán bộở một số nơi còn hạn chế, chưa sát với nhu cầu sử dụng, chưa phù hợp với vị trí việc làm;chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã còn thấp. Cán bộ lãnh đạo trẻ có trình độ chuyên sâu ở từng ngành, lĩnh vực còn ít; cơ chế phát hiện, tuyển chọn và tạo nguồn cán bộ còn thiếu. Việc phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài tạo nguồn lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, cán bộ tham mưu, chuyên gia giỏi để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh chưa được quan tâm đúng mức; vẫn còn tình trạng chạy theo bằng cấp, học trái ngành, nghề của vị trí công tác.

    Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Điện Biên đến năm 2030 là: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và năng lực quản lý; đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, bảo đảm sự chủ động, kế cận giữa các thế hệ cán bộ. Phấn đấu đến năm 2030 có từ 30% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng (tương đương) trở lên có trình độ trên đại học, 100% được đào tạo về lý luận chính trị (từ trung cấp trở lên) và bồi dưỡng về quản lý nhà nước; 100% cán bộ công chức cấp xã có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên; 90% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

    2.jpg

    (Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025)

    Trong những năm tới, sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hoá nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.

    Xuất phát từ yêu cầu mới của thực tiễn, ngày 19/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, trong đó nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt; phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân; phải thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ. 

    Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 03 giải pháp cơ bản:

    Trước hết, cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó cần thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng theo nhiệm kỳ, hàng năm trên cơ sở quy hoạch cán bộ, chất lượng cán bộ hiện tại và tiêu chuẩn chức danh theo vị trí việc làm; thực hiện việc xét cử cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng theo kế hoạch. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau.

    Thứ hai, ngoài việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thì các cơ quan, đơn vị phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 15-KL/TW, ngày 21/9/2021 của Bộ Chính trị, nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. 

    Thứ ba, phải đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch theo chức danh cán bộ; tăng cường bồi dưỡng kiến thức về phương pháp tư duy và tầm nhìn chiến lược; nâng cao nhận thức về kiến thức lý luận và thực tiễn, kỹ năng thực hành, phong cách lãnh đạo… cho đội ngũ cán bộ.

    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ, có liên quan mật thiết với các khâu khác, như đánh giá cán bộ; quy hoạch cán bộ; bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Do vậy, công tác đào tạo cán bộ không chỉ thực hiện ở khía cạnh lý luận mà còn bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho cán bộ, như: luân chuyển cán bộ, cử đi nghiên cứu thực tiễn, tham quan học hỏi kinh nghiệm, kế hoạch kèm cặp... để có thể gắn liền công tác đào tạo với việc bố trí sử dụng cán bộ. Cần thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào đối với công chức, viên chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực.

    Kỳ 1- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương thời kỳ kháng chiến chống Pháp

    Kỳ 2- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1954 - 1975

    Kỳ 3- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1975 - 1986

    Kỳ 4- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1986 - 2003

    Lý Thanh Tiềm, VPTU

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: