TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Một số kết quả nổi bật sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
  • Thời gian đăng: 03/08/2022 07:57:23 AM - Lượt đọc: 7468
  • Trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến đường quốc lộ (Quốc lộ 6, 12, 4H, 279, 279B, 279C) với chiều dài 752,5 km; có 607,2 km đường tỉnh; 206 km đường đô thị, 74,2 km đường tuần tra biên giới, 1.279,7 km đường huyện, 5.336,4 km đường xã, đường thôn bản, đường trục chính nội đồng. Có 01 tuyến giao thông đường thủy chính là tuyến sông Đà nay là lòng hồ thủy điện Sơn La dài 85 km, phía thượng lưu tiếp giáp với xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu; bên tả sông giáp với huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; phía hạ lưu giáp với huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; có lòng hồ Nậm Lay thuộc thị xã Mường Lay diện tích khoảng 127 ha. Lòng hồ Nậm Mức rộng 182,965 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Mường Chà và Tuần Giáo (lòng hồ Mường Chà diện tích 88,031 ha; lòng hồ Tuần Giáo diện tích 94,934 ha).
  • Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW và Chính phủ có Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 16-TT/TU, ngày 28/5/2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể, lực lượng vũ trang tổ chức phổ biến, quán triệt Chị thị số 18-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn; gắn việc xây dựng "Văn hóa giao thông" vào nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1849/KH-UBND ngày 18/7/2013 chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực phụ trách quản lý và điều kiện thực tiễn của tỉnh; xây dựng quy chế kiểm điểm, giáo dục, xử lý người có hành vi vi phạm hành chính về TTATGT; tăng cường kiểm tra việc tổ chức triển khai, thực hiện.

    Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản pháp luật có liên quan đã tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp; cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, góp phần ổn định tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh. Ban ATGT các cấp được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo TTATGT được nâng lên. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với công tác đảm bảo TTATGT. Công tác tuyên truyền được tăng cường và đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức; ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông được nâng lên, từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông.

     -nh-1-h-c-sinh.jpg

    Đội CSGT đường thuỷ nội địa Phòng CSGT Công an Tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT đến giáo viên và học sinh trường THPT thị xã Mường Lay

    Công tác quản lý nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt; hệ thống kết cấu, hạ tầng về giao thông được quan tâm đầu tư, nâng cấp, công tác tổ chức giao thông, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông và khắc phục những điểm đen, điểm bất cập, thiếu an toàn trên các tuyến đường, tuyến sông được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát huy hiệu quả các gờ giảm tốc. Được sự quan tâm bố trí nguồn vốn xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ của Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ Việt Nam và các cấp, các ngành, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 9.605,86Km đường giao thông, trong đó: mặt đường bê tông xi măng dài 2.069Km (tỷ lệ 21,54%), mặt đường bê tông nhựa dài 458Km (tỷ lệ 4,78%), mặt đường đá dăm láng nhựa dài 1.384Km (tỷ lệ 14,42%), mặt đường cấp phối dài 1.123Km (tỷ lệ 11,69%), mặt đường đất 4.569Km (tỷ lệ 47,57%) và có 130/130 xã đã có đường ô tô đến được trung tâm xã (trong đó có 123/129 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm các xã đi lại được các mùa trong năm đạt tỷ lệ 94,6%, còn 7 xã có đường ô tô đi được trong mùa khô chiếm tỷ lệ 5,4%).

    Công tác đào tạo, sát hạch lái xe, đăng ký, đăng kiểm, quản lý phương tiện ngày càng chặt chẽ. 10 năm qua, Trung tâm kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông cơ giới đã kiểm kiểm định 91.543 lượt phương tiện (trong đó, số lượng phương tiện đạt 77.062 phương tiện, số lượng phương tiện không đạt 14.481 phương tiện); đăng ký mới 12.569 xe ô tô, 185.503 xe mô tô, 7.642 xe máy điện; sang tên di chuyển đi địa phương khác 3.626 ô tô, 8.164 mô tô; sang tên đổi chủ trong tỉnh 3.224 ô tô, 24.887 mô tô.

    Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm kiên quyết, kịp thời, ngày càng nghiêm minh. Kết quả, đã khởi tố 144 vụ, 111 bị can, ra quyết định không khởi tố 133 vụ; chuyển cơ quan điều tra quân đội 06 vụ. Từ tháng 9/2012 đến tháng 5/2022, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Điện Biên đã thụ lý kiểm sát điều tra 164 vụ/168 bị can; Kiểm sát xét xử 130 vụ/134 bị cáo về các tội liên quan TTATG. Tòa án Nhân dân hai cấp đã thụ lý, giải quyết sơ thẩm 137 vụ/142 bị cáo về tội vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tình hình TTATGT trên địa bàn được giữ vững, ổn định; tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), không xảy ra đua xe trái phép và tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, từ ngày 15/9/2012 đến ngày 14/5/2022, toàn tỉnh xảy ra 474 vụ TNGT đường bộ, làm chết 261 người, bị thương 429 người, hư hỏng 153 xe ô tô, 483 xe mô tô, 28 xe khác; thiệt hại ước tính 5.839,3 triệu đồng. So với 10 năm trước khi thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW (từ ngày 15/9/2002 đến 14/9/2012), giảm 268 vụ tai nạn (474/742 = 36,1%), số người chết giảm 24 người (261/285 = 8,4%), số người bị thương giảm 419 người (429/848 = 49.4%). Tình trạng ùn tắc giao thông do mưa lũ gây sạt lở ở một số đoạn đường xung yếu được phát hiện, xử lý kịp thời không để ùn tắc kéo dài.

    -nh-2-nh-n-d-n.jpg 

    Đội CSGT đường thuỷ nội địa Phòng CSGT Công an Tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT đến cán bộ và nhân dân thuộc các phố, bản thuộc các phường Na Lay, Sông Đà và xã Lay Nưa

     Tuy nhiên, địa bàn tỉnh rộng, địa hình hiểm trở; kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một số người dân còn chưa nghiêm; kinh phí phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, phân bổ chưa kịp thời. Các loại phương tiện có chiều hướng ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

    Từ thực trạng và kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua, tỉnh xác định tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới: (1)- Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, giao thông đô thị phù hợp với tốc độ phát triển gia tăng các phương tiện giao thông. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, các tuyến đường đang nâng cấp, cải tạo; tăng cường bảo đảm ATGT đường bộ; kiểm tra, khắc phục, sửa chữa, bổ sung kịp thời những bất hợp lý trong tổ chức giao thông, xử lý triệt để các điểm đen, lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ. Tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, lập và triển khai các phương án phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ, không để ách tắc giao thông kéo dài. (2)-Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT với hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. (3)-Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng công tác đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nội địa kết hợp tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao thông trong đội ngũ lái xe, nhất là lái xe chở khách. (4)- Tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp mở các đợt cao điểm tập trung theo các chuyên đề những hành vi vi phạm nổi lên gây mất TTATGT; tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT. (5)-Tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị, hiện đại hóa phương tiện, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu công tác bảo đảm TTATGT; xây dựng hệ thống camera giám sát xử lý vi phạm về TTATGT. (6)-Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc trong tổ chức thực hiện; kịp thời phát hiện, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khuyến khích, động viên khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện ATGT, góp phần duy trì ổn định tình hình TTATGT, tiếp tục phấn đấu kiềm chế làm giảm TNGT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

    Đào Ái, VPTU

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: