Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng bức trướng cho ngành GD&ĐT tỉnh.
Cách đây 60 năm, Ty Giáo dục Lai Châu, nay là Sở GD&ĐT Điện Biên được thành lập. Ngành đối diện với muôn vàn khó khăn thiếu thốn, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đây cũng là giai đoạn thầy và trò cùng cả nước vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục, vừa cầm súng chiến đấu chống giặc Mỹ đánh phá miền Bắc. Trải qua nhiều thăng trầm, qua các giai đoạn khác nhau, đến năm 2004, tỉnh Điện Biên thành lập trên cơ sở chia tách tỉnh Lai Châu. Thời kỳ này Giáo dục Điện Biên có quy mô nhỏ, tỷ lệ học sinh huy động đến trường còn thấp, đội ngũ giáo viên thiếu và không đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu của việc dạy học...
Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương, đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ được triển khai. Các chiến lược, quy hoạch phát triển GD&ĐT qua từng giai đoạn được xây dựng, cùng các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển GD&ĐT tỉnh, đạt được những kết quả nổi bật: Quy mô, mạng lưới trường, lớp học, các cấp học, bậc học được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, hiệu quả; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 494 trường, 129 trung tâm học tập cộng đồng với quy mô 7.773 lớp và trên 224.700 học sinh, sinh viên, học viên; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 75,5%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 77,54%. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Toàn ngành hiện có 15.616 cán bộ, viên chức, người lao động, trên 90,6% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên; cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ là 587, tiến sỹ 5 thầy cô giáo. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Điện Biên đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tăng đều qua các năm (hàng năm đạt trung bình từ 40-45%). Chất lượng giáo dục mũi nhọn được cải thiện rõ rệt, thuộc vào nhóm khá của các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; toàn tỉnh đã có 206 học sinh đạt giải Học sinh giỏi Quốc gia; trong đó có 01 giải Nhất, 05 giải Nhì, 36 giải Ba,…
Thừa ủy quyền, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho các cá nhân ngoài ngành GD&ĐT.
Phát huy những kết quả đạt được, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: “Chúng tôi, những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục xin hứa trước Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về GD&ĐT”. Toàn ngành đang tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài: Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, xây dựng khối đoàn kết toàn ngành; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về GD&ĐT, tạo động lực cho đổi mới và phát triển; phát triển mạng lưới các trường tiểu học, THCS, THPT, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục...
Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại buổi Lễ, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường ghi nhận, biểu dương và tri ân sâu sắc công lao đóng góp to lớn của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh nhà; đồng thời chúc mừng những thành tựu to lớn mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đã đạt được trong 60 năm vừa qua. Đồng thời đề nghị toàn ngành, cán bộ, viên chức giáo dục quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Một là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của Trung ương và của tỉnh về lĩnh vực giáo dục, đào tạo; tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao, sẵn sàng cho thực hiện kế hoạch phát triển của ngành trong những giai đoạn tới; Hai là, tiếp tục sắp xếp hợp lý quy mô, mạng lưới trường, lớp học, các cấp học; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhất là hệ thống các trường PTDT nội trú, bán trú đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng núi cao, có điều kiện xã hội, đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác; Ba là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn ngành nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Điện Biên. Mỗi thầy giáo, cô giáo cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, tâm huyết, yêu nghề; thực sự là tấm gương sáng về tri thức và phẩm chất, đạo đức, lối sống; là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức nhân loại, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho các thế hệ học sinh; Bốn là, tập trung nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Kịp thời động viên, chăm lo, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học, nhất là ở vùng cao, biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Năm là, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của người học; Sáu là, đẩy mạnh chuyển đổi số, kết hợp hài hòa giữa các phương pháp dạy và học truyền thống với các phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình “Trường học chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh; Bảy là, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy – HĐND - UBND các trình tự, thủ tục cần thiết để trình các bộ, ngành Trung ương xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung quy hoạch và thành lập Trường Đại học Điện Biên; Tám là, các đồng chí lãnh đạo Sở, các thầy cô giáo thực hiện nhiệm vụ quản lý tại các trường học phải thực sự là những tấm gương sáng về mọi mặt, nêu gương để xây dựng đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo thực sự tâm huyết, trách nhiệm vì sự nghiệp phát triển Ngành giáo dục tỉnh Điện Biên
Nhân dịp này, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh tặng ngành GD&ĐT tỉnh bức trướng Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập. 1.029 cá nhân trong ngành và 29 cá nhân ngoài ngành được Bộ GD&ĐT tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”; 13 cá nhân được UBND tỉnh tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên”; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân; Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho 10 tập thể và 23 cá nhân...
Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân.
Tin, ảnh: Văn Công