TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Đảng bộ Điện Biên thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố hệ thống chính trị vững mạnh
  • Thời gian đăng: 20/11/2018 01:30:31 PM - Lượt đọc: 7111
  • Đảng bộ Điện Biên, với 567 tổ chức cơ sở đảng và trên 24 ngàn đảng viên, nêu cao quyết tâm lãnh đạo nhân dân các dân tộc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trong đó năm 2012 chính là năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
  • 1 - Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên 9.562,9km2; có 400,861km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc (giáp Lào 360 km, Trung Quốc 40,861km); có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; là đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực. Điện Biên có 9 đơn vị hành chính thuộc tỉnh, gồm 07 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố, với 112 xã, phường, thị trấn. Dân số của tỉnh trên 52 vạn người, gồm 19 dân tộc (dân tộc Thái chiếm 38,1% tổng số dân, Mông: 34,9%, Kinh: 18,5%, Khơ Mú: 3,3%... ). Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống đoàn kết, yêu nước, cần cù lao động, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

    Là tỉnh đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển nên đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để hoạt động chống phá... Thực tế trên đã ảnh hưởng bất lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và tác động không tốt tới khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.

    Quyết tâm khắc phục hạn chế, yếu kém, cùng với nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII đã xác định: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung xóa đói, giảm nghèo, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại. Sớm đưa tỉnh Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển.

    Đây chính là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh trong những năm qua, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2010 - 2015 và giai đoạn tiếp theo.

    2 - Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển đối với các tỉnh đặc biệt khó khăn, Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã tăng cường lãnh đạo triển khai thực hiện, cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ổn định, duy trì mức tăng trưởng hợp lý; xây dựng khối đoàn kết các dân tộc bền vững bằng các chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện của tỉnh. Những nhiệm vụ trọng tâm được xác định là: xóa đói, giảm nghèo; nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã, địa bàn khó khăn; sản xuất lương thực, phát triển cây công nghiệp, như chè, cao-su, cà-phê...; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Bước đầu tỉnh đã đạt một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

    Tiếp tục đổi mới toàn diện, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung xóa đói, giảm nghèo phấn đấu sớm đưa tỉnh Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển là quan điểm xuyên suốt những năm qua, cũng là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 và giai đoạn tiếp theo.

    Kinh tế tăng trưởng và phát triển ổn định, GDP bình quân đều tăng (giai đoạn 1996 - 2000 đạt 6,6%, 2001 - 2005 đạt 9,3%, giai đoạn 2005 - 2010 đạt 11,6%/năm). Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt và có hiệu quả việc thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm: Dự án tái định cư thủy điện Sơn La, xây dựng hạ tầng đô thị ở thị xã Mường Lay; Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015; Quyết định số 800/QĐ-TTg, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

    Tỉnh thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, như hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, về y tế; hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý, xây dựng nông thôn mới... để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 11.375/13.404 hộ nghèo đã làm xong nhà ở, đạt 84,86%, với tổng kinh phí thực hiện hơn 270 tỉ đồng, trong đó 4 huyện nghèo đã hoàn thành 8.161/8.738 nhà ở cho hộ nghèo, đạt 93,4% tổng số nhà cần làm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4% (từ 50,01% năm 2010 xuống còn 46,01% năm 2011).

    Cùng với việc thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực. Trọng tâm của chương trình được xác định là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng lao động, năng lực quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là nhóm nhân lực lãnh đạo, quản lý và nhân lực hành chính công cấp xã, phường, thị trấn; cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Xây dựng chính sách thu hút, ưu đãi để từng bước cân đối nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức của tỉnh là trên 21.800 người, trong đó cán bộ là người dân tộc thiểu số: 7.167 (32,87%), cán bộ nữ: 12.027 (55,16%). Trong tổng số 7.167 cán bộ là người dân tộc thiểu số, có 350 đồng chí giữ các chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên (4,88%), trong đó cán bộ từ phó trưởng phòng và tương đương là 294 đồng chí; trưởng, phó ngành cấp tỉnh là 53 đồng chí; có 3 đồng chí là lãnh đạo tỉnh.

    Trình độ và năng lực thực tiễn của cán bộ là người dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ sơ cấp: 3,99%; trình độ trung cấp: 39,64%; trình độ cao đẳng: 23,34%; trình độ đại học:  14,34%; trên đại học: 0,68%. Về trình độ lý luận chính trị, trung cấp: 2,13%; cử nhân, cao cấp: 2,29%; số được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: 4,67 %.

     

    Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đã kết hợp giữa đào tạo nghề tập trung và đào tạo nghề ngắn hạn, gắn với nhu cầu sử dụng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt 29,5%, tăng 13,1% so với năm 2005. Tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 44,8% vào năm 2015.

    Những kinh nghiệm rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, đó là: trước tiên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết của các cấp ủy đảng đã xác định, phải xây dựng chương trình hành động cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện có hiệu quả. Thứ hai, phát triển kinh tế  gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; gắn xóa đói, giảm nghèo với giải quyết việc làm, các vấn đề xã hội bức xúc, bảo vệ môi trường. Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng các chương trình hành động của cấp ủy đảng, kế hoạch của chính quyền các cấp trong thực hiện chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thứ tư, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong tổ chức thực hiện. Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát việc quán triệt, cụ thể hóa triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh.

    3 - Để duy trì tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bảo đảm mức tăng trưởng hợp lý; đồng thời, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

    Một là, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng với phương châm: tập trung trong lãnh đạo, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; đồng thời, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng trong vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

    Hai là, phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Tích cực thu hút, huy động các nguồn lực tập trung xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi cơ cấu lao động. Thực hiện tốt các giải pháp xây dựng phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và quản lý. Chú trọng chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành một cách vững chắc; phát triển mạnh kinh tế vùng và các thành phần kinh tế; chỉ đạo rà soát, cơ cấu hợp lý trong đầu tư công.

    Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch; chủ động nắm và dự báo đúng tình hình, có các phương án giải quyết tốt những vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động. Mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế.

    Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là năng lực quản lý, điều hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị; chất lượng quy hoạch, kế hoạch và xây dựng các chương trình, dự án, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; kết hợp chặt chẽ giữa phát huy nội lực với khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Mở rộng các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

    Năm là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Đổi mới công tác tổ chức cán bộ, coi trọng quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ ở cơ sở, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

    Sáu là, tăng cường kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn; chủ động xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng. Công khai, minh bạch thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội. Giải quyết kịp thời các đơn, thư khiếu nại, tố cáo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tăng cường lòng tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.

  • Nguồn tin: tapchicongsan.org.vn
  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: