Hiện nay, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên đang tập trung triển khai tổng số 25 dự án, gồm: 8 dự án sử dụng vốn đầu tư công; 10 dự án chỉnh trang đô thị, nâng cấp đô thị phục vụ các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 7 dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị sử dụng vốn ngoài đầu tư công.
Đồng chí Lê Thanh Bình, Chánh Văn phòng UBND tỉnh thay mặt Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo tóm tắt các nội dung tại Hội nghị
Về tiến độ thi công, 100% dự án thuộc nhóm dự án sử dụng vốn đầu tư công đều chưa đạt 50% khối lượng (thấp nhất là các hạng mục thuộc dự án tổng thể đầu tư xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Điện Biên đạt 10% khối lượng; cao nhất là dự án Đường động lực đạt 46% khối lượng). Nhóm các dự án chỉnh trang đô thị, nâng cấp đô thị phục vụ các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đạt từ 35% - 96% khối lượng (trong đó, có 3 dự án đạt dưới 50% khối lượng và 7 dự án trên 60% khối lượng).
Nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án chủ yếu là do khối lượng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), nhất là trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ (204,62 ha). Tổng diện tích cần GPMB của các dự án trên địa bàn tỉnh là299,52ha. Trong đó: Các dự án đầu tư công 209,29ha, đến ngày 20/10, diện tích đã GPMB là 92,26ha (đạt 44,08%); dự án đầu tư ngoài ngân sách 90,24ha, đã GPMB 31,28ha (đạt 34,66%).
Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Giám đốc Ban QLDA các công trình Nông nghiệp & PTNT tỉnh giải trình một số khó khăn trong công tác GPMB
Tại cuộc họp, đại diện các chủ đầu tư giải trình một số khó khăn trong công tác GPMB như: Công tác xác minh nguồn gốc đất, quy chủ thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã gặp rất nhiều khó khăn do lịch sử quản lý sử dụng đất phức tạp; người dân chưa thực hiện thủ tục đất đai theo quy định của pháp luật; một số hộ dân cùng lúc thuộc diện thu hồi đất của nhiều dự án…
Đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá tiến độ công tác GPMB và thi công các dự án trọng điểm đã có nhiều chuyển biến, song nhìn chung tiến độ vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Do đó thời gian tới, các đơn vị chủ đầu tư, chính quyền địa phương cần học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong tháo gỡ vướng mắc GPMB, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Đồng thời vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách nhà nước để thực hiện công tác đền bù GPMB các dự án. Đối với các trường hợp cố tình chây ì, gây khó khăn đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật. Các đơn vị chủ đầu tư phải rà soát, đánh giá năng lực các nhà thầu thi công, nếu đơn vị nào năng lực yếu cần sớm có phương án điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tiến độ thi công dự án. Chính quyền địa phương phải tổ chức đánh giá, sàng lọc và lựa chọn những cán bộ có năng lực, tâm huyết để triển khai hiệu quả khối lượng công việc được giao. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, thời gian qua tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển nhà ở cho đối tượng là hộ gia đình nghèo. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa có dự án nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang và chưa có dự án xây dựng nhà ở xã hội tập trung nào được triển khai thực hiện.
Đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất kết luận
Thống nhất kết luận nội dung, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy tổ chức quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 165-KH/TU, ngày 16/8/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phát triển nhà ở xã hội. Ban cán sự đảng UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng tổng hợp nhu cầu nhà ở xã hội của các đơn vị, địa phương từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở nhu cầu thực tế, các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định quỹ đất và nguồn kinh phí xây dựng nhà ở xã hội để báo cáo UBND tỉnh.