TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Hiệu quả mô hình tổ dân vận cơ sở (kỳ 2)
  • Thời gian đăng: 25/09/2022 09:04:33 AM - Lượt đọc: 8937
  • Kỳ 2: Hoạt động gắn với cơ sở ĐBP - Với mục tiêu “Ở đâu có khó khăn, ở đó có tổ dân vận cơ sở (DVCS”), hoạt động của các tổ DVCS đã luôn đồng hành, sát cánh cùng nhân dân các dân tộc trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội... Dấu ấn của các tổ DVCS hằn in trên mỗi nếp nhà, con đường, các mô hình sinh kế; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, đủ đầy ở bản mường vùng cao, nơi cực Tây Tổ quốc.
  •       Nhịp cầu nối “ý Đảng - lòng Dân”

          Mỗi người một cương vị khác nhau, thực hiện những nhiệm vụ khác nhau nhưng trong mọi hoàn cảnh, những cán bộ ở các tổ DVCS đều thể hiện rõ tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Từ khi triển khai mô hình tổ DVCS, các cán bộ từ huyện đến xã nơi biên cương Nậm Pồ luôn sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, nắm rõ tình hình thôn, bản để xây dựng kế hoạch, đề xuất cách làm thiết thực, hiệu quả; cùng cấp ủy, chính quyền các xã đưa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống. Họ chính là những nhịp cầu nối “ý Đảng - lòng Dân”.

          Sớm tinh mơ, dù sương mù vẫn còn giăng kín những triền đồi, nhưng các thành viên Tổ DVCS bản Ham Xoong 1 (xã Vàng Đán) đã chuẩn bị hành trang lên đường về cơ sở, về với bà con. Từ trung tâm xã, chưa đầy 30 phút đi xe máy chúng tôi đặt chân đến bản Ham Xoong 1. Ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa đại ngàn là nơi cư trú của 90 hộ, 484 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông.

    Từ đầu năm đến nay, nhiều tổ DVCS đã phối hợp với cấp ủy, chi bộ xem xét giới thiệu kết nạp Đảng được 65 quần chúng ưu tú, chuyển sinh hoạt cho 91 lượt đảng viên, công nhận đảng viên chính thức cho 89 đồng chí; thường xuyên phối hợp giúp đỡ, hướng dẫn cơ sở tăng cường tìm kiếm “hạt nhân” ưu tú giới thiệu cho Đảng…

          Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, Tổ trưởng Tổ DVCS bản Ham Xoong 1 chia sẻ: Ngay từ khi thành lập, Tổ DVCS đã tích cực tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; tạo sự gần gũi, thân mật. Đặc biệt, thành viên trong Tổ đã cùng dự sinh hoạt chi bộ bản, hướng dẫn quy trình, cách thức, chương trình, nội dung của một buổi sinh hoạt chi bộ cho đội ngũ cấp ủy. Đồng thời, trực tiếp tham gia ý kiến, thảo luận, tập trung làm rõ những mặt còn yếu kém của chi bộ, những hạn chế của đảng viên. Đổi mới nội dung, hình thức các buổi sinh hoạt rõ ràng, cụ thể, tập trung đi sâu vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, Tổ đã phối hợp chặt chẽ với bí thư, cấp ủy chi bộ đẩy mạnh việc tuyên truyền, xây dựng các mô hình sinh kế, bố trí việc làm tại chỗ... để giữ chân những người trẻ tuổi, thanh niên bám trụ sản xuất, góp phần tạo “hạt nhân” kế cận cho Đảng. 8 tháng qua, Tổ DVCS bản Ham Xoong 1 đã phối hợp với cấp ủy, chi bộ xem xét giới thiệu được 2 quần chúng ưu tú vào Đảng.

          Từ xã Vàng Đán, tiếp tục xuôi theo những cung đường ngoằn ngoèo, chúng tôi về bản Nà Bủng 3 (xã Nà Bủng). Dù là bản giáp biên giới, trình độ dân trí hạn chế, nhưng đâu đâu bà con cũng truyền tai nhau cách phòng chống, thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19. Có được kết quả đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền xã có sự đóng góp không nhỏ của Tổ DVCS bản Nà Bủng 3.

    2_1qqqqqqq.jpg

    Chị Đinh Thị Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nà Bủng, Tổ phó Tổ DVCS bản Nà Bủng 3 tuyên truyền tới người dân.

          Trong ngôi nhà gỗ, người dân chăm chú nghe chị Đinh Thị Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nà Bủng - Tổ phó Tổ DVCS bản Nà Bủng 3 tuyên truyền về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Có đoạn chị Hà nói, phiên dịch ra tiếng Mông rồi phát tờ rơi có hình ảnh để người dân dễ hiểu.

          Chị Hà chia sẻ: Nà Bủng 3 có 40 hộ, hơn 200 nhân khẩu. Trong đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Tổ đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, bản, bộ đội biên phòng kêu gọi, vận động xã hội hóa hơn 2.000 khẩu trang... Đồng thời, huy động tre, bạt, xây dựng khu cách ly tạm thời để đón người dân trở về; vận động lao động đi làm ăn xa trở về thực hiện khai báo y tế theo quy định, hạn chế tập trung đông người. Đặc biệt, với phương châm “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được nhắc lại bổ sung kịp thời nhất”, Tổ tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân nâng cao ý thức, tự giác đi tiêm chủng. Những ngày trời mưa, đường trơn trượt, bùn đất Tổ đã cử thành viên về tận nhà những người không thể đi lại được (người già, người tàn tật...) đưa ra điểm tiêm. Nhờ những cách làm linh hoạt, sáng tạo, vì sự an toàn của người dân, tới nay bản Nà Bủng 3 có tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhất xã (mũi 3 đạt 94%; mũi 4 đạt trên 85%).

          Tạo dấu ấn trong các mô hình sinh kế

          Xác định đem lại cuộc sống ấm no, khởi nguồn các mô hình sinh kế mới, bền vững là nhiệm vụ tiên quyết của các tổ DVCS. Vì vậy, ngay sau khi thành lập các tổ DVCS đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các bản thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; khai hoang ruộng nước; hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng…

    2_2qqqqqqqq.jpg

    Người dân bản Chăn Nuôi tách lạc thu hoạch được từ mô hình do Tổ DVCS hướng dẫn.

          Tiêu biểu như tổ DVCS tại các xã: Nậm Tin, Phìn Hồ, Nậm Chua, Chà Nưa giúp nhân dân phát triển mô hình trồng dứa, sả, lạc, khoai sọ; mở rộng diện tích trồng, chăm sóc cây sa nhân. Triển khai từ tháng 4/2022, với số vốn 10 triệu đồng do các tổ DVCS đóng góp, tổ DVCS bản Chăn Nuôi (xã Phìn Hồ) đã hỗ trợ 72 hộ vay vốn theo hình thức luân chuyển để mua giống lạc đỏ địa phương trồng trên diện tích 2ha. Sau 3 tháng trồng, cây lạc cho sản lượng thu hoạch lớn (3 tấn), xuất bán với giá thành cao (45 nghìn đồng/kg củ; 55 - 60 nghìn đồng/kg hạt) đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

          Chị Chớ Thị Mò, Chủ tịch Hội LHPN xã Phìn Hồ - Tổ phó Tổ DVCS bản Chăn Nuôi cho biết: “Để cây lạc sinh trưởng và phát triển tốt, thành viên Tổ DVCS đã luôn sát cánh cùng người dân, từ khâu làm đất, bón phân, theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển, tình hình sâu bệnh hại... Cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, khi thu hoạch hạt lạc to, đều, mẩy, ăn ngậy và thơm nên vào vụ thu hoạch được thương lái đến tận thôn, bản thu mua”.

    2_3qqqqqq.jpg

    Tổ DVCS bản Van Hồ kêu gọi xã hội hóa, vận động người dân sửa chữa tuyến đường bản Long Dạo - Van Hồ.

    “Được sự tuyên truyền, vận động của Tổ DVCS, nhà tôi đã quyết định cải tạo, chuyển đổi 1.000m2 đất kém hiệu quả sang trồng lạc. Nhờ được Tổ hướng dẫn kỹ thuật, tiến hành trồng lạc theo đúng lịch thời vụ, tuân thủ các yếu tố kỹ thuật và tích cực chăm bón nên lạc phát triển tốt, ít sâu bệnh. Năng suất thu hoạch đạt hơn 1 tạ, giá thành 45 nghìn đồng/kg củ đã giúp nhà tôi có thêm thu nhập gần 5 triệu đồng/vụ” - chị Tao Thị Vĩnh, bản Chăn Nuôi (xã Phìn Hồ) chia sẻ.

          Không chỉ ghi dấu ấn trên các mô hình sinh kế, các tổ DVCS còn tích cực tham gia hiến kế, hiến công, góp sức thực hiện các tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, giúp đỡ nhân dân dọn dẹp vệ sinh cảnh quan môi trường, nạo vét kênh mương, thuỷ lợi; xây dựng các công trình phúc lợi, đường giao thông nông thôn. Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn - Tổ trưởng Tổ DVCS bản Van Hồ (xã Si Pa Phìn) chia sẻ: Qua khảo sát, tuyến đường Long Dạo - Van Hồ dài hơn 700m thì có hơn 400m đã xuống cấp, gây khó khăn trong việc đi lại, giao thương buôn bán của người dân... Vì vậy, Tổ đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ máy móc, vật liệu xây dựng (xi măng, cát...); đồng thời vận động 1 hộ hiến 30m2  đất, huy động người dân tham gia tu sửa, mở rộng, cắt cua, đổ bê tông mặt đường, tạo điều kiện để người dân đi lại, sinh hoạt, học sinh có điều kiện đến trường tốt hơn.

          Có thể thấy rằng, các tổ DVCS đã gặt hái được nhiều thành tựu, ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, là huyện vùng cao, biên giới nên quá trình triển khai nhiệm vụ các tổ DVCS cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Điều này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ cần đề ra những giải pháp căn cơ, hữu hiệu để mô hình tổ DVCS thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của nhân dân các dân tộc.

    Kỳ 1: Làm mới mô hình cũ

    Kỳ 3: Khó khăn từ thực tiễn

    Nguồn: http://baodienbienphu.com.vn/

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: