TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ ở tỉnh Điện Biên
  • Thời gian đăng: 29/09/2021 03:34:49 PM - Lượt đọc: 11765
  • Trong thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ của tỉnh Điện Biên đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và cách làm, bảo đảm đúng nguyên tắc, trình tự, nội dung, thẩm quyền, công khai, khách quan; kết quả đánh giá chất lượng cán bộ ngày càng thực chất, phản ánh tương đối đầy đủ, chính xác mức độ hoàn thành nhiệm vụ, kết quả thực thi công vụ, tinh thần trách nhiệm và kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ tương xứng với kết quả hoạt động của địa phương, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý.
  • Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì vậy, theo Người phải biết rõ cán bộ, đánh giá đúng cán bộ. Đánh giá cán bộ là khâu tiền đề của công tác cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy mà còn thấy cái dở để góp ý, giúp đỡ họ sửa chữa, khắc phục. Khi đánh giá cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm công tác cán bộ phải có quan điểm biện chứng, nhìn mọi sự vật, hiện tượng đều không ngừng biến đổi. Vì thế, khi xem xét, đánh giá cán bộ phải có cái nhìn toàn diện. Người chỉ rõ: “Nhận xét cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài của họ, mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm của họ, mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm, mà phải thấy rõ lịch sử của họ”.

    Đánh giá cán bộ có nghĩa là nhận xét, xem xét, cân nhắc, bày tỏ thái độ và quan điểm của tổ chức hoặc cá nhân được tổ chức phân công đối với cá nhân người khác trên những khía cạnh như: phẩm chất đạo đức, lối sống; bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; năng lực công tác, trình độ nhận thức; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật. Mục đích của đánh giá cán bộ là để phân loại cán bộ, tìm và sử dụng cán bộ một cách hợp lý, phát huy được hiệu quả của người cán bộ.
    Trong công tác cán bộ, đánh giá đúng cán bộ là cơ sở phát huy được tiềm năng đội ngũ cán bộ, để bản thân cán bộ có phương hướng đúng trong phấn đấu, rèn luyện; là cơ sở để thực hiện đúng chính sách cán bộ, biểu dương, tôn vinh những cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có đóng góp, có cống hiến cho địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời phê bình những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không nêu gương, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với cấp ủy, tổ chức Đảng. Đánh giá đúng cán bộ là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, địa phương, đơn vị. Ngược lại, nếu đánh giá cán bộ không đúng, thiếu chính xác sẽ dẫn đến phân tâm trong cán bộ, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ; dẫn đến việc lựa chọn, bố trí, sử dụng những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công việc.

    7d-nh-H-i-ngh-c-n-b-ch-ch-t-to-n-t-nh-v-c-ng-t-c-c-n-b-.jpg

    Hội nghị cán bộ toàn tỉnh về công tác cán bộ

    Trong những năm qua, công tác đánh giá cán bộ được các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tỉnh Điện Biên thực hiện nghiêm túc, trên cơ sở đánh giá kết quả nhiệm vụ chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 30/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; Quy định số 4871-QĐ/TU, ngày 19/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành cấp ủy các cấp, thành viên ban cán sự đảng, đảng đoàn trong tỉnh; đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thực hiện theo Quy định số 01-QĐi/TU, ngày 18/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chí đánh giá đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó có bổ sung vào tiêu chí đánh giá, xếp loại về tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ và có sản phẩm cụ thể, lượng hóa được; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý khác thực hiện theo quy định của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trên cơ sở đã được cụ thể hóa từ Quy định số 01-QĐi/TU, ngày 18/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, công tác đánh giá cán bộ của tỉnh đã có nhiều đổi mới và thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, như: bản thân cán bộ tự đánh giá; tập thể nơi công tác đánh giá; cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú đánh giá; cấp trên và cấp dưới đánh giá; các tổ chức đoàn thể mà cán bộ đó là thành viên đánh giá; thực hiện đánh giá liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương, công khai kết quả. Do vậy, công tác đánh giá cán bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện ban thường vụ cấp ủy các cấp quản lý năm 2019 được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 98,22%, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 18,4%; năm 2020 cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 98,26%, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 19,63%. Nhìn chung, công tác đánh giá cán bộ của tỉnh trong thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, sắp xếp cán bộ; qua đánh giá đã khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời kiện toàn bộ máy cán bộ lãnh đạo của các địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua.

    Tuy nhiên, công tác đánh giá cán bộ là việc làm khó, nhạy cảm, ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, dẫn đến việc nghiên cứu, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện có lúc, có việc chưa sát với yêu cầu; một số trường hợp đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất cán bộ, chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá nên kết quả xếp loại cán bộ có lúc, có nơi cách đánh giá còn chung chung, chưa cụ thể, chưa sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; một số cơ quan, đơn vị thiếu những phương pháp, cách làm hiệu quả, thiếu những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể theo đặc thù để phù hợp với từng nhóm đối tượng cán bộ, nên khó định lượng và khó đánh giá trong thực tế; việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức ở một số cấp ủy cơ sở có lúc, có nơi còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa phát huy vai trò giám sát, tham gia của Nhân dân trong công tác cán bộ.

    Từ những kết quả đạt được, để công tác đánh giá cán bộ ngày càng nâng cao chất lượng, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

    Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ thực chất là đo lường phẩm chất, năng lực của cán bộ. Đây là khâu quan trọng tác động đến các khâu của công tác cán bộ. Chất lượng công tác cán bộ liên quan đến khâu đánh giá cán bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải phát huy dân chủ, công khai, minh bạch và thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong công tác đánh giá cán bộ. Kết quả đánh giá cán bộ phải được thông báo công khai trong tổ chức đảng để giúp cán bộ biết được kết quả đồng nghiệp, tổ chức đánh giá về mình, từ đó thấy được những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế để xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện.

    Hai là, thực hiện đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều. Đây chính là phương pháp xem xét khoa học, công cụ đo lường toàn diện, chính xác để góp phần nhận định, đánh giá đúng tài năng và đạo đức của cán bộ. Đánh giá xuyên suốt, liên tục nhằm nhìn nhận cả chặng đường rèn luyện, phấn đấu, cống hiến của cán bộ khi thực hiện các nhiệm vụ, cương vị được giao. Đánh giá đa chiều nhằm có cái nhìn tổng hợp, toàn diện về cán bộ, thông qua việc kết hợp đánh giá từ trong nội bộ và từ bên ngoài, đánh giá từ trên xuống và từ dưới lên, trong đó cần coi trọng ý kiến đánh giá, giám sát của quần chúng nhân dân.

    Ba là, việc đánh giá phải đảm bảo đúng quy trình và đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đánh giá cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ là phát huy cao nhất sức mạnh trí tuệ tập thể, cấp ủy có thẩm quyền. Những nhận xét về cán bộ nhất thiết do tập thể có thẩm quyền quyết định sau khi lắng nghe đầy đủ ý kiến cơ quan, tổ chức liên quan. Thực hiện đúng quy trình đánh giá, tuyển chọn theo tiêu chuẩn mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

    Bốn là, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, nền nếp, chặt chẽ, dân chủ, khách quan chế độ tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng thời thẳng thắn phê bình, nhắc nhở những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp; kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế hoặc cho thôi giữ chức vụ đối với cán bộ làm việc yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.

    Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đánh giá cán bộ đối với cấp dưới. Đồng thời, xem xét, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để công tác nhận xét, đánh giá cán bộ thực hiện một cách qua loa, hình thức, nhận xét đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất.

    Đánh giá cán bộ là khâu cần thiết, gắn kết với tất cả các khâu khác liên quan đến công tác cán bộ của Đảng. Kết quả đánh giá cán bộ là căn cứ quan trọng để tiến hành các khâu khác như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng,... Các khâu trong công tác cán bộ đều được thực hiện đúng sẽ bảo đảm việc phát triển đội ngũ cán bộ của tỉnh đủ phẩm chất cách mạng, đủ tài và đức quyết tâm xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững.

    Bài viết, ảnh: Trần Hoài Nam, Văn phòng Tỉnh ủy

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: