TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • QUY HOẠCH NÔNG THÔN THÚC ĐẨY KINH TẾ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN
  • Thời gian đăng: 19/06/2024 10:13:45 AM - Lượt đọc: 2645
  • Quy hoạch nông thôn là tiêu chí đầu tiên trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là tiêu chí đóng vai trò quan trọng làm tiền đề và nền tảng cho quá trình phát triển lâu dài, bền vững, khoa học, đảm bảo tính thống nhất giúp cho việc quản lý, hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn xã một cách toàn diện. Xác định tầm quan trọng đó, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ cấp huyện đến cơ sở, đến năm 2016, 100% các xã đã hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng NTM cấp xã. Đến nay, tỉnh đã có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt chuẩn NTM, 28 xã cơ bản đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 14,12 tiêu chí/xã...
  • 19-6-dc-Mua-A-Vang.jpg

    Đồng chí Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông (người ngoài cùng bên phải) kiểm tra tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại bản Tìa Ló, xã Nong U.

         Với những kết quả quan trọng trong việc lập, quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện kể cả ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới; môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, an ninh chính trị được giữ vững, nhiều vùng nông thôn trở thành nơi đáng sống; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,77%/năm vượt so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra là 7%; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 42,98 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo mới giảm còn 25,68%, bình quân giảm 4,17%/năm, vượt 1,24 điểm % so với mục tiêu Nghị quyết. Công tác đào tạo nghề được chú trọng thực hiện, trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng trên 8.500 lao động, vượt 2,5% mục tiêu Nghị quyết; tạo việc làm mới bình quân trên 9.500 lao động/năm, vượt 10,25% mục tiêu Nghị quyết.

          Tuy vậy,việc triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng nông thôn cấp xã đã xuất hiện những bất cập như: Quy hoạch thiếu tính liên kết vùng trong tổ chức sản xuất, xây dựng hạ tầng khung, xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng NTM chưa gắn liền với quy hoạch các khu đất ở mới để tổ chức đấu giá, đấu thầu dự án,.. tạo nguồn thu từ đất để tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Tại một số điểm quy hoạch khu dân cư mới thiếu tính tập trung, cơ bản bám dọc theo các trục đường tỉnh lộ, huyện lộ, trục xã, chưa định hướng các khu dân cư nông thôn bền vững. Vấn đề môi trường trong xây dựng NTM chưa được quan tâm đúng mức, nhiều địa phương khó khăn trong việc lựa chọn các khu vực để xử lý chất thải rắn, thoát nước thải các khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan làng xóm. Nhiều nhóm dân cư nông thôn vẫn sinh sống phân tán rải rác, mật độ phân bố không đồng đều, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, triển khai các chính sách, chương trình, dự án đầu tư, thực hiện các hoạt động an sinh, xã hội; việc đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém, suất đầu tư cao nhưng số người được hưởng lợi ít, dẫn đến hiệu quả thấp, nguồn lực đầu tư phân tán, dàn trải,...

         Từ những bất cập nêu trên, căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch và các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 1986/KH-UBND ngày 29/6/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Điện Biên, đến năm 2025 và chỉ rõ các nội dung cần thực hiện như: Rà soát, điều chỉnh, lập mới (trong trường hợp quy hoạch hết hạn) và triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định của pháp luật về quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có quy hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn. Từng bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn. Tập trung quy hoạch lại các cụm dân cư thôn, bản ở khu vực biên giới; rà soát điều chỉnh lập quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, trong đó có quy hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn,... Đặc biệt là ngày 27/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 109/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó nội dung quy hoạch bao gồm tổng thể định hướng các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch đô thị, nông thôn,... Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, phấn đấu 4 huyện đạt chuẩn NTM và trên 60% số xã đạt chuẩn NTM (trong đó, khoảng 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu). Các xã, thôn, bản phát triển theo mô hình NTM gắn với đặc thù của từng khu vực trên cơ sở bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở sản xuất,...

         Để đảm bảo sự phát triển bền vững, có cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư lâu dài, có hệ thống phù hợp với quy hoạch vùng huyện, thiết nghĩ UBND cấp huyện cần chỉ đạo các xã khẩn trương thực hiện rà soát quy hoạch nông thôn mới cấp xã; trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng để điều chỉnh bổ sung, lập "Quy hoạch chung xây dựng xã" theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022, với định hướng quy hoạch không gian tổng thể tổ chức hệ thống trung tâm xã, cải tạo thôn, bản hiện hữu và hình thành các khu dân cư mới cho tương lai. Xác định quy mô dân số, tính chất, nhu cầu đất ở cho từng khu dân cư mới và thôn, bản đã có; định hướng tổ chức hệ thống công trình công cộng, dịch vụ cấp xã, thôn, bản; xác định các chỉ tiêu quy hoạch, định hướng kiến trúc, tổ chức không gian cho từng loại hình phù hợp với đặc điểm của địa phương; định hướng tổ chức các khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung, làng nghề, khu vực sản xuất và phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức kết hợp các khu chức năng khác trên địa bàn xã tuân thủ quy hoạch cấp trên, quy hoạch ngành và các quy hoạch liên quan; hình thành các khu, điểm quỹ đất có mặt bằng với quy mô diện tích tương đối để tổ chức đấu giá hoặc đấu thầu dự án tạo nguồn thu, thu hút nhà đầu tư xây dựng các nhà máy hoặc các điểm dân cư tập trung, khu vực sản xuất tập trung có hạ tầng đồng bộ, hiện đại,... đồng thời tổ chức quản lý chặt chẽ quy hoạch. Có như vậy, chúng ta mới giải được các bài toán về bố trí, sắp xếp dân cư, phát triển sản xuất bền vững, xây dựng nông thôn mới; khắc phục được tình trạng dân cư sinh sống rải rác, phân tán, ở những khu vực có nguy cơ cao về thiên tai, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và tình trạng đầu tư dàn trải, suất đầu tư cao, số người được hưởng lợi ít, dẫn đến hiệu quả thấp như hiện nay.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                      Bài, ảnh: Nguyễn Ngọc Thể (Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy)

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: