Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị về biên chế và quản lý biên chế của hệ thống chính trị
Trong số 2,234 triệu tổng biên chế toàn quốc, có 1,68 triệu viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (gồm 65.980 giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026); 680 biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; gần 205.600 cán bộ, công chức cấp xã; hơn 1.300 biên chế công đoàn tạm giao cho các địa phương; 10.100 biên chế dự phòng (gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức).
Cụ thể, khối Quốc hội được giao 1.060 biên chế; Chính phủ 210.800; Tòa án nhân dân tối cao 15.200; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 15.860; Kiểm toán Nhà nước 2.100; Văn phòng Chủ tịch nước 90.
Chính quyền địa phương được giao 1,9 triệu biên chế. Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương gần 6.300; cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương 64.260.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định số lượng và quản lý tổng biên chế toàn hệ thống chính trị. Trước đây, biên chế Chính phủ, Quốc hội do các đơn vị này quyết. Ban Tổ chức Trung ương quản lý biên chế Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, ban đảng cấp Trung ương; cấp huyện, cơ sở do Chính phủ quyết.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18/7/2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026, nêu rõ trong giai đoạn này, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhưng không cào bằng mà tùy điều kiện từng cơ quan, tổ chức.
Các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 - 2021, thì phải vừa tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026, đồng thời tiếp tục giảm biên chế theo chỉ tiêu của giai đoạn trước. Những nơi giảm biên chế vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2021 thì phần vượt được tính vào kết quả giai đoạn 2022-2026.
Tin, ảnh: Trần Hoài Nam