TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong tình hình mới
  • Thời gian đăng: 29/09/2021 04:26:00 PM - Lượt đọc: 9013
  • Ngày 27/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong tình hình mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
  • 1. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh

    Tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; nâng cao trách nhiệm, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Cuộc vận động; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương.

    Tuyên truyền sâu rộng, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương Điện Biên và khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, sử dụng hàng Việt Nam và các sản phẩm của địa phương. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của Việt Nam và địa phương; khuyến khích, động viên người tiêu dùng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh ưu tiên sử dụng nguyên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam và tại địa phương.

    Tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hoá, dịch vụ; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho địa phương; thực hiện hiệu quả chương trình đưa hàng Việt Nam, hàng sản xuất trong tỉnh về nông thôn, bản vùng cao, vùng biên giới. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến công, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

    Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá của tỉnh Điện Biên được người tiêu dùng ưa thích tại thị trường trong tỉnh, đồng thời mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh và tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến chất lượng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý sản phẩm, hàng hoá của địa phương; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hoá trên địa bàn tỉnh.

    Củng cố, kiện toàntổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận độngtỉnh; ban hành Quy chế hoạt động, tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.

    2. Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh

    Đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ và chỉ đạo xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của tỉnh, nhất là các sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm OCOP... Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 386/QĐ-TTg, ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh và các đề án giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam của Trung ương, của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động.

    Định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường hợp tác, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; nâng cao hiệu quả quản trị, quản lý, sản lượng, chất lượng sản phẩm gắn với hạ giá thành sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết giá trị, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và nhu cầu thị trường.

    Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 các cấp trong việc phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm xâm nhập vào thị trường Điện Biên qua biên giới và các địa phương khác; các hành vi gian lận thương mại (đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật,...), góp  phần ổn định thị trường, lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

    Tăng cường chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, thị trường phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam, hàng hóa sản xuất trong tỉnh phù hợp với pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế; kiểm tra, giám sát thị trường bán lẻ,... Đổi mới, đẩy mạnh việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong tỉnh có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động. Chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn, lợi dụng lòng tin gắn nhãn mác hàng Việt Nam, hàng Điện Biên để tiêu thụ...

    3. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh: Rà soát các cơ chế, chính sách của tỉnh có liên quan đến Cuộc vận động trên địa bàn để thực hiện sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết). Tăng cường giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật có liên quan đến việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và Chỉ thị này.

    4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tuyên truyền về Cuộc vận động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, hộ kinh doanh có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh định kỳ hằng năm tổ chức điều tra dư luận xã hội về việc thực hiện Cuộc vận động.

    5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Namvà các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh:Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam, nhất là thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của địa phương; hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động, lựa chọn, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh. Tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong giám sát, phát hiện, tố cáo các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại,... nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

    Giao Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc,giám sát việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này; định kỳ sơ kết, tổng kết,báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị nàyvới Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

    Toàn văn Chỉ thị: Tải về

    Phan Văn Thắng, VPTU

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: