TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Kết luận của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
  • Thời gian đăng: 07/07/2022 03:10:19 PM - Lượt đọc: 5499
  • Ngày 23/6/2022, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu một số nội dung của Kết luận.
  • Bộ Chính trị kết luận bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo,  đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước từng bước được hoàn thiện; nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngành nước được tăng cường. Công tác điều tra cơ bản, quy hoạch liên quan đến nguồn nước được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai được thực hiện thường xuyên. Hợp tác quốc tế được mở rộng, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam trong khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế. Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều công trình thuỷ lợi xuống cấp; rủi ro, mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng. Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. Hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước hiệu quả chưa cao...

    Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước,  bảo vệ, sử dụng nước chưa đầy đủ. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất; thể chế, chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; chưa chú trọng đến quản trị nguồn nước, kinh tế tài nguyên nước; nguồn lực đầu tư cho bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước chủ yếu là ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế; chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm...

    Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu tổng quát là bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hoà nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

    H-N-m-Kh-u-Hu-ngu-n-cung-c-p-n-c-cho-sinh-ho-t-th-nh-ph-i-n-Bi-n-Ph-v-huy-n-i-n-Bi-n.jpeg

    Nước thiết yếu cho cuộc sống của con người là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế- xã hội, quyết định sự tồn vong của một dân tộc và quốc gia.Tỉnh Điện Biên hiện có 15 hồ chứa với dung tích hữu ích trên 68 triệu m3 nước (ảnh Hồ chứa nước Nậm Khẩu Hu)

    Đến năm 2025: Hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến nước; 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía Bắc; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế.

    Đến năm 2030: Cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Giải quyết căn bản nước sinh hoạt cho các đảo có đông dân cư; hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước mặn, nước ngọt, tích trữ nước trên các lưu vực sông lớn; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; bước đầu khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi lớn; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước quốc gia theo phương thức quản trị nguồn nước của quốc tế.

    Đến năm 2045: Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thuỷ lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống nhất liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước.

    Bộ Chính trị cũng đề ra 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thuỷ lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

    Tải về toàn văn Kết luận: Tại đây

    Phan Văn Thắng, VPTU

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: