Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội...
Tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai.
Trước khi bắt đầu phiên khai mạc, tại phiên họp trù bị, Quốc hội đã dành phút mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đợt mưa lũ vừa qua.
Trước khi bắt đầu phiên khai mạc, tại phiên họp trù bị, Quốc hội đã dành phút mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, đồng bào miền Trung bị tử nạn trong đợt mưa lũ vừa qua. Sự hy sinh của các đồng chí là mất mát vô cùng to lớn đối với Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và gia đình, người thân; để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng bào cả nước. Đây cũng là biểu tượng của tinh thần quả cảm, tận tụy vì nước, vì dân, sẵn sàng xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Quốc hội cũng tiến hành quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết
Đúng 9h15, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tiếp nối thành công của kỳ họp thứ chín, kỳ họp thứ mười tiếp tục được tiến hành thành 2 đợt, trong đó, đợt 1 họp trực tuyến và đợt 2 họp tập trung. Đây là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ, là dịp để Quốc hội nhìn nhận lại những vấn đề mà Quốc hội đã khẳng định với cử tri trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 4 dự án luật khác nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Bên cạnh đó, sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 - 2020); phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội cũng xem xét, thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc - đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn, quyết tâm chính trị bền vững, lâu dài của Đảng, Nhà nước ta về sứ mệnh hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Điều đó càng tiếp tục khẳng định Việt Nam tích cực, chủ động, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ mười và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.
Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành công tác nhân sự và thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm (2016-2020); dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm (2021-2025).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại kỳ họp.
Đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm (2016-2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Nhờ đó chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm (2016-2020). Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm 2020 ước đạt 2 - 3%. Nhờ đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người/năm. Đồng thời, chúng ta tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020.
Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6%
Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm (2021-2025), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2021, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030).
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; trong đó GDP tăng khoảng 6%; CPI bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng 45 - 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%...
Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD/người/năm; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19. Trong thời gian đầu của giai đoạn 2021 - 2025 khi còn dịch bệnh, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch; hoàn chỉnh quy trình phòng, chống dịch; kiểm soát phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, bảo đảm phòng dịch từ sớm, từ xa.
Đồng thời, các biện pháp phòng, chống dịch cần được tính toán kỹ lưỡng, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh trong tất cả các ngành, lĩnh vực và ở tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng đẩy nhanh nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc xin và có giải pháp để nhân dân tiếp cận, sử dụng vắc xin phòng dịch bệnh sớm nhất. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức với những biến động phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới có thể còn tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm (2021 - 2025), nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát triển đất nước phồn vinh, chúng ta hãy đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chung tay hành động quyết liệt, nỗ lực vượt qua thử thách với tinh thần quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Cũng trong phiên khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm (2016-2020), dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.