TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Điện Biên qua các thời kỳ (Kỳ 2)
  • Thời gian đăng: 11/10/2021 02:00:39 PM - Lượt đọc: 6919
  • Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1954 - 1975
  • Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Một nửa nước ta được hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới, xây dựng miền Bắc trong hòa bình, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn, vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

    Giai đoạn này, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội; vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện cho cách mạng miền Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào. Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp trong tỉnh; chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 06-CT/LC, ngày 29/4/1953 của Ban cán sự tỉnh Lai Châu về việc đào tạo cán bộ địa phương.

    Sau giải phóng Điện Biên, Ban cán sự tỉnh thực hiện rà soát, thẩm tra lại cán bộ, trung kiên và cốt cán tích cực đã được đào tạo ở thời gian trước; tính đến thời điểm tháng 02/1955, số lượng trung kiên và cốt cán tích cực sau khi thẩm tra lại có 2.121 người, cán bộ địa phương là 156 người; tổng số cán bộ, công nhân viên toàn tỉnh tại thời điểm này là 786 người (khối Đảng có 93 người, khối chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã có 693 người). Việc bồi dưỡng cán bộ trong thời gian này thông qua các lớp bồi dưỡng về "học tập hiệp định đình chiến", "chính sách thành lập Khu tự trị kết hợp với học tập ý nghĩa của chiến dịch chống Mỹ", "tình hình và nhiệm vụ mới"(1). Việc đào tạo cán bộ tiếp tục thông qua các lớp đào tạo văn hóa, nghiệp vụ kỹ thuật và lý luận chính trị dưới sự giúp đỡ của Trung ương và Khu uỷ.

    Đến năm 1963, tỉnh Lai Châu tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra 03 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong giai đoạn 1963 - 1965, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đó là: "3- Tăng cường xây dựng đảng bộ vững mạnh cả về tư tưởng và tổ chức; hết sức chú ý công tác chi bộ và công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các dân tộc, nhất là cán bộ cơ sở". Nghị quyết Đại hội cũng chỉ ra nhiệm vụ cụ thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời khẳng định "việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu then chốt quyết định toàn bộ nhiệm vụ kế hoạch" của cả nhiệm kỳ Đại hội(2). Như vậy, giai đoạn này, công tác đào tạo, bồi dưỡng bước sang một giai đoạn mới, với quyết tâm cao, xác định đây là "khâu then chốt" thể hiện ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất.

    Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 07/8/1964 về nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tại nghị quyết này, Tỉnh ủy đã nhận định, đánh giá tình hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của giai đoạn trước với những ưu điểm như: Tỉnh từ chỗ rất thiếu cán bộ cơ sở, nhưng sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ, đến nay, đội ngũ cán bộ xã có gần 2.000 đảng viên thuộc các thành phần dân tộc, làm nòng cốt đang trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều cán bộ đã được đưa xuống giúp đỡ cơ sở. Cán bộ trong các ngành chính trị, kinh tế, văn hoá ở huyện, tỉnh dần dần được đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung, phần lớn là cán bộ trẻ, nhiệt tình; tỷ lệ cán bộ dân tộc địa phương tham gia lãnh đạo được nâng lên nhanh chóng; cán bộ thuộc các dân tộc ít người dần tăng thêm. Giữa cán bộ địa phương và cán bộ nơi khác đến, nói chung đoàn kết, hăng hái công tác.

    Tuy nhiên, Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra 04 hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong suốt thời gian qua. Một là, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Ý thức giác ngộ giai cấp, trình độ chính trị, năng lực lãnh đạo và quản lý, trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật của cán bộ còn thấp. Hai là, cơ cấu đội ngũ cán bộ chưa hợp lý, tỷ lệ người dân tộc thiểu số còn ít và không đều giữa các huyện, phần lớn thuộc các cơ quan cấp huyện, cơ quan cấp tỉnh chiếm rất ít; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo càng ít hơn. Ba là, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu kế hoạch toàn diện, lâu dài; biện pháp chưa phù hợp với đặc điểm địa phương và trình độ cán bộ. Hệ thống trường lớp của tỉnh, huyện chưa đủ và chưa được củng cố, thiếu cán bộ giáo vụ, chất lượng giảng dạy thấp, kế hoạch cử cán bộ đi học các lớp thường không bảo đảm số lượng và tiêu chuẩn. Bốn là,những quy định và phân cấp quản lý cán bộ chưa được quán triệt và chấp hành đầy đủ. Đội ngũ cán bộ xã thay đổi nhiều, đội ngũ cán bộ huyện, tỉnh, nhất là tỉnh mới lập lại, tăng lên nhanh chóng. Nhưng các cấp, các ngành quản lý cán bộ chưa chặt chẽ; việc cất nhắc, đề bạt, bố trí cán bộ còn chắp vá, thiếu tính toán lâu dài. Việc kiểm tra công tác của cán bộ, chăm sóc bảo vệ cán bộ chưa tốt. Một số cán bộ địa phương có tư tưởng chán công tác, lo lắng gia đình, muốn thôi việc. Một số cán bộ cũ hoặc đã được đào tạo cũng bỏ việc. Cán bộ xã thường ngại đi học, đi làm cán bộ. Một số cán bộ nơi khác đến chưa yên tâm công tác.

    Từ những nhận định, đánh giá trên, Tỉnh ủy đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào Chỉ thị số 61-CT/TW năm 1963 của Ban Bí thư và Thông tri số 03-TT/TU, ngày 13/11/1963 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc cải tiến học tập tại chức. Theo đó, đã quy định rõ mục tiêu học tập cho cán bộ về các mặt lý luận, chính trị, văn hoá và nghiệp vụ kỹ thuật từ nay đến hết năm 1970: "Đi đôi với việc đào tạo và bồi dưỡng chính quy ở trường tập trung phải tích cực đào tạo và bồi dưỡng bằng con đường tại chức, phải lấy biện pháp tại chức là chủ yếu"; với các mục tiêu, giải pháp cụ thể là:

    Một là: "Ra sức bồi dưỡng về tư tưởng và nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ". Trên cơ sở nâng cao giác ngộ giai cấp, trình độ giác ngộ XHCN, tinh thần yêu nước, kiên quyết đấu tranh thống nhất đất nước; đi đôi với bồi dưỡng tư tưởng, phải nâng cao năng lực của cán bộ về trình độ lý luận, năng lực quản lý kinh tế, năng lực vận động và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình từng vùng, từng dân tộc.

    Hai là: "Nhanh chóng nâng cao trình độ văn hoá của cán bộ". Phấn đấu đến năm 1970, những cán bộ trung cấp, sơ cấp và tương đương phải có trình độ lớp 7 toàn diện và lớp 10 về một số môn cơ bản (cần thiết cho việc học tập nghiệp vụ và kỹ thuật); đối với cán bộ cơ sở công tác ở các ngành, các cơ quan, các xí nghiệp từ huyện trở lên tối thiểu phải có trình độ lớp 7 toàn diện; đối với cán bộ chủ chốt cấp xã nói chung vùng thấp phải có trình độ lớp 7 toàn diện, cán bộ xã vùng cao có trình độ lớp 5 (trước mắt phải biết đọc, viết và nghe hiểu chữ phổ thông).

    Ba là: "Tích cực đào tạo bồi dưỡng cán bộ về nghiệp vụ, kỹ thuật". Phấn đấu đến năm 1970: cán bộ trung, sơ cấp và tương đương có trình độ nghiệp vụ hay kỹ thuật trung cấp, cán bộ cơ sở (cơ quan) phải học xong chương trình sơ cấp nghiệp vụ và kỹ thuật của ngành mình. Cán bộ cơ sở ở xã phải học công tác quản lý nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp và những hiểu biết cơ bản về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.

    Tỉnh ủy xác định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là trách nhiệm của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Phải mạnh dạn đầu tư kinh phí vào việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng, củng cố các trường, lớp học; phải kiên quyết và bền bỉ trong một thời gian dài, phải chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể.

    Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Tỉnh ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, các cấp ủy trực thuộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, giai đoạn 1963 - 1970, tình hình kinh tế - xã hội trong thời chiến gặp quá nhiều khó khăn, "Theo số liệu điều tra năm 1968, số người biết chữ ở vùng thấp mới đạt 37%, vùng cao mới đạt 13%. Trình độ văn hoá của cán bộ cơ sở quá thấp, số chưa biết chữ còn chiếm 23,42%". Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai có nhận định, do nguyên nhân chủ quan là "do ta chưa quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, nhất là chưa nắm vững thực tiễn tự nhiên và xã hội của địa phương, của các dân tộc". Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý chưa được chú ý đúng mức, chưa tích cực tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kỹ thuật, đào tạo cán bộ; chưa có kế hoạch, quy hoạch lâu dài trong đào tạo, bồi dưỡng. Công tác quản lý chưa tốt, cách bố trí cán bộ còn rối; có trường hợp chưa thận trọng. Việc đề bạt cán bộ chưa đi đôi với bồi dưỡng, nhất là cán bộ dân tộc ít người và cán bộ nữ (3).

    Giai đoạn 1970 - 1975, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai đã đề ra: " Phải hết sức coi trọng công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở. Phải đặt thật mạnh vấn đề này với tinh thần phấn đấu đuổi kịp miền xuôi. Xây dựng quy hoạch cán bộ từ cơ sở lên, xây dựng cơ sở vật chất, tích cực đào tạo một số lớn cán bộ đáp ứng yêu cầu 3 năm và chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn sau; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đề bạt cán bộ trẻ, nữ. Căn cứ vào yêu cầu trước mắt và lâu dài để quản lý và bố trí đội ngũ cốt cán ở cơ sở, hết sức tránh thay đổi nhiều cán bộ chủ chốt. Mỗi xã phải tạo được một tập thể cốt cán vững và các chủ nhiệm, kế toán, đội trưởng giỏi. Tăng cường hơn nữa tình đoàn kết giữa cán bộ các dân tộc"(4). Trong 5 năm (1970 - 1975), đã cử 3.407 lượt cán bộ, đảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng (70 cán bộ đào tạo quản lý kinh tế; 771 cán bộ bồi dưỡng lý luận chính trị; 698 học chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ; 1.868 học bổ túc văn hoá).

    Từ năm 1970 đến tháng 6/1975, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp mới 1.361 đảng viên, trong số này: Đảng viên nữ có 270 chiếm 19,8%; đoàn viên thanh niên lao động Hồ Chí Minh 987 chiếm 72,5%; dân tộc ít người 510 chiếm 39,4%; nông thôn 413 chiếm 30,3%. Văn hoá cấp 1 có 504 người, chiếm 44,3%; cấp 2 có 570 chiếm 41,8%, cấp 3 có 187 chiếm 13,7%. Công nhân 167 chiếm 12,2%, nông dân 1.190 chiếm 87,4%; dân nghèo, thợ thủ công 4. Ngoài việc cử cán bộ đảng viên đi dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Trung ương và Khu ủy tổ chức; nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở còn lãnh đạo tổ chức trường bổ túc văn hoá cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động dưới hình thức vừa học vừa làm; nhằm xóa nạn mù chữ cho cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện cho việc tiếp thu đường lối, chính sách, khoa học kỹ thuật; coi đây là một tiêu chuẩn để phân loại đảng viên.(5)

    Có thể thấy, trong giai đoạn 1954 - 1975, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đã đề ra những chủ trương, giải pháp rất quyết liệt, đúng đắn. Nhưng do điều kiện chiến tranh, các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn; Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa phải sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện cho cách mạng miền Nam. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời gian đầu còn có phần chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chủ yếu tập trung thực hiện có kết quả cao trong giai đoạn từ năm 1970 - 1975.

    Kỳ 1: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương thời kỳ kháng chiến chống Pháp

    Kỳ 3: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1975 - 1986

    Kỳ 4- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1986 - 2003

    Kỳ 5- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ năm 2004 đến nay

    Lý Thanh Tiềm, VPTU

    --------

    Tài liệu tham khảo:

     (1)- Báo cáo số 02-BC/LC, ngày 10/02/1955 của Ban cán sự tỉnh Lai Châu về bàn giao tình hình mọi mặt tỉnh Lai Châu lên Khu uỷ Tây bắc (do đồng chí Trần Quốc Mạnh, Phó Ban cán sự tỉnh Lai Châu ký ban hành).

    (2)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ nhất (Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/10/1963).

    (3)- Báo cáo tình hình 6 năm (10/1963 - 10/1969) và nhiệm vụ kế hoạch 3 năm (1970 - 1972) của Tỉnh ủy Lai Châu trình Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Lai châu lần thứ II, tháng 3/1970.

    (4)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ hai (Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 13/4/1970).

    (5)- Báo cáo số 13-BC/TU, ngày 19/02/1976 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tổng kết cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh.

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: