TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Điện Biên qua các thời kỳ (Kỳ 3)
  • Thời gian đăng: 12/10/2021 11:10:24 AM - Lượt đọc: 6535
  • Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1975 - 1986
  • Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đồng sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham gia làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả và tạo tiền đề về kinh tế - xã hội cho sự phát triển của tỉnh.

    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn này tiếp tục được quan tâm gắn với quy hoạch cán bộ các cấp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (năm 1975) đã xác định: "Làm tốt quy hoạch cán bộ các cấp, từ cơ sở lên đến tỉnh, chú trọng cán bộ dân tộc và cán bộ nữ để có kế hoạch gửi đi đào tạo hoặc mở trường ở địa phương", đồng thời xác định "tích cực đào tạo cán bộ nữ ngay từ các trường thiếu niên, thanh niên để có nhiều cán bộ nữ làm quản lý hợp tác xã, làm kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, y tế, tài chính, thương nghiệp...".(1)Mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đã thể hiện rõ sự quyết tâm của Đảng bộ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ các cấp và đặc biệt chú ý đến việc đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ.

    Tuy nhiên, Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nhận định những yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn vừa qua: "có việc đề ra mà chưa làm hoặc làm chậm, làm kém như: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế hoạch, tài vụ, thống kê lao động" và "Nhiều người còn ngại học, cử đi học không chịu đi. Cán bộ xã đã như vậy thì việc xã cử cán bộ đi đào tạo các ngành, nghề càng khó khăn, không bảo đảm được kế hoạch chiêu sinh của tỉnh, huyện". Rút kinh nghiệm từ những yếu kém này, Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ: "tỉnh sẽ có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mạnh hơn, nhất là về quản lý kinh tế" và đề ra giải pháp "Mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhu cầu trước mắt về kế hoạch, kế toán, thống kê, lao động tiền lương. Với các trưởng, phó ngành, có kế hoạch mạnh dạn cho đi học văn hoá, chính trị, quản lý, đồng thời mạnh dạn cất nhắc một số cán bộ trẻ đã qua thử thách. Đào tạo thợ nề, mộc, thợ sửa chữa, lái xe ca...".(2)

    Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (năm 1977) cũng đề ra rất nhiều giải pháp quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên các lĩnh vực để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. Đó là: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật, y tế, cán bộ quy hoạch thiết kế nông lâm nghiệp, cán bộ quản lý hợp tác xã, cán bộ làm công tác tài chính, kế hoạch, kế toán, lao động tiền lương, cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải, bưu điện, thương nghiệp... Có thể thấy rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ ở các ngành, các lĩnh vực, nhằm mục tiêu quan trọng mà Đại hội đề ra "Vừa đẩy mạnh sản xuất, cố gắng đóng góp nhiều hơn cho cả nước, vừa chăm lo cải thiện đời sống nhằm đưa vùng cao tiến kịp vùng thấp, Lai Châu tiến kịp miền xuôi".(3)

    Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ thứ V và nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ VI của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Báo cáo số 21-BC/TU, ngày 05/01/1983) đã thẳng thắn nhận định: Đảng bộ tỉnh hiện có 474 tổ chức đảng với 10.711 đảng viên, trong đó có 94 đảng bộ và 380 chi bộ cơ sở. "Bước đầu triển khai việc lập quy hoạch cán bộ và đem lại một số kết quả, công tác đào tạo bồi dưỡng trong mấy năm qua đã được chú ý hơn; hệ thống trường Đảng huyện, tỉnh từng bước được kiện toàn; ngoài việc cử cán bộ và con em các dân tộc vào trường chuyên nghiệp của Trung ương, tỉnh đã mở thêm trường trung cấp nông nghiệp, trường trung cấp tài chính kế toán vật giá; một số huyện ngành mở các trường, lớp đào tạo bồi dưỡng hệ sơ cấp và công nhân có nghề". Tuy nhiên, "công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ vẫn chắp vá, nhiều trường hợp không đúng yêu cầu và đối tượng. Việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ làm chậm, do đó chưa phát huy được trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác cán bộ, dẫn đến tình hình các cấp, các ngành thiếu chủ động xây dựng bố trí cho ngành mình một đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ".

    Để thực hiện tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra phương châm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới đó là: "chủ động, tích cực, khẩn trương, kết hợp chặt chẽ các hình thức và biện pháp đào tạo, bồi dưỡng tập trung và tại chức, lý luận liên hệ với thực tế; coi việc học tập tại chức, tự học và rèn luyện trong thực tiễn công tác là chủ yếu". Đồng thời đề ra những mục tiêu cụ thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn tới:  

    - Về lý luận chính trị: Các chi uỷ đảng uỷ viên xã phải học xong chương trình cơ sở; 25 - 30% chương trình sơ cấp. Riêng bí thư phải hoàn thành chương trình sơ cấp và ít nhất có 20% học chương trình trung cấp. 50% huyện uỷ viên trở lên học xong chương trình trung cấp số còn lại phải qua chương trình sơ cấp. 70% tỉnh uỷ viên qua chương trình cao cấp, số còn lại đều hoàn thành chương trình trung cấp.

    - Về khoa học kỹ thuật: Trong huyện ủy, thị ủy, tỉnh uỷ phải có ít nhất từ 30% trở lên có trình độ trung cấp về chuyên môn, khoa học kỹ thụât.

    - Về quản lý kinh tế: Các đồng chí thường vụ tỉnh ủy, thường vụ huyện ủy, thị uỷ và các đồng chí trưởng ngành kinh tế tham gia cấp uỷ đều phải qua lớp quản lý kinh tế chung cũng như của các ngành Trung ương mở. Các đồng chí Bí thư, Phó bí thư, chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã và cán bộ quản lý hợp tác xã từ đội trưởng trở lên (nơi hợp tác xã toàn xã) đều phải qua lớp bồi dưỡng về quản lý hợp tác xã do huyện tổ chức.

    - Về văn hoá: Chi uỷ, đảng uỷ viên nhất là bí thư, phó bí thư, chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phấn đấu học hết cấp I; số đã xong cấp I tiếp tục học để nâng thêm trình độ. Huyện, thị, tỉnh uỷ viên phải hết cấp 2 phấn đấu từ 30% trở lên đạt cấp 3.

    Như vậy, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lần này của Tỉnh ủy rất rõ ràng, cụ thể, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ trong toàn tỉnh về mọi mặt, cả về lý luận lẫn chuyên môn, nghiệp vụ, nhắm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

    Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (tháng 10/1986) nhận định "Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, củng cố cơ sở có chuyển biến rõ nét. Ngoài việc gửi cán bộ đào tạo ở các trường Trung ương, tỉnh đã mở thêm một số lớp bồi dưỡng cho cán bộ về quản lý kinh tế, quản lý cơ sở; 55% cán bộ chủ chốt của ngành, huyện, tỉnh đã qua các trường trung, cao cấp lý luận, tăng 2 lần so năm 1983; 52% đã qua bồi dưỡng quản lý kinh tế, 35% có trình độ cao đẳng, đại học". Tuy nhiên, Đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đó là: Do chưa làm tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, dẫn đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn chắp vá, thiếu chủ động. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ vùng cao, cán bộ chuyên môn giỏi, cán bộ quản lý, đội ngũ công nhân có tay nghề cao vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Đội ngũ cán bộ hiện nay kém ổn định hơn so với trước, do bị "hẫng" chưa bồi dưỡng kịp, mặt khác, do khó khăn về đời sống, do một số chính sách đối với cán bộ miền núi chưa được hợp lý.

    Đại hội cũng chỉ rõ nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian tới đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên: Toàn đảng phải làm tốt công tác tư tưởng; cần nâng cao trình độ lý luận, trình độ quán triệt đường lối chính sách của đảng cho cán bộ gắn với thực tiễn địa phương thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, phổ biến nghị quyết, chỉ thị của Đảng; khắc phục nhược điểm phổ biến qua loa, hình thức; các huyện ủy, thị ủy, đảng uỷ , tổ chức cơ sở Đảng phải có quy hoạch và kiên quyết mở các lớp huấn luyện lý luận, tập huấn đường lối, chính sách và công tác quản lý cán bộ, đảng viên thuộc các đối tượng; sử dụng nhiều hình thức học tại chức, mở lớp từng khu vực hoặc ở xã, tập huấn ở một số điển hình. Phấn đấu đến năm 1990, phải có 80% cán bộ chủ chốt tỉnh, 100% Tỉnh uỷ viên được đào tạo qua các trường trung, cao cấp lý luận, quản lý kinh tế; 50% chủ tịch, phó chủ tịch xã qua các trường quản lý hành chính.

    Có thể thấy, trong giai đoạn 1975 - 1986, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tiếp tục được Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đã đề ra những mục tiêu cụ thể hơn so với giai đoạn trước. Kết quả thực hiện có nhiều chuyển biến rõ nét hơn, số lượng, chất lượng cán bộ được đào tạo cao hơn, đa ngành, đa lĩnh vực hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ.

    --------

    Kỳ 1: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương thời kỳ kháng chiến chống Pháp

    Kỳ 2: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1954 - 1975

    Kỳ 4- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1986 - 2003

    Kỳ 5- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ năm 2004 đến nay

    Lý Thanh Tiềm, VPTU

    Tài liệu tham khảo:

    (1)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ III (Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 28/4/1975).

    (2)- Báo cáo số 18-BC/TU, ngày 03/9/1976 của Tỉnh ủy Lai Châu về quán triệt chuyển giai đoạn cách mạng và các quan điểm về nhiệm vụ mới.

    (3)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ IV (Ngày 12/3/1977).

    (4)- Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (Ngày 03/10/1986).

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: