TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Điện Biên qua các thời kỳ (Kỳ 1)
  • Thời gian đăng: 10/10/2021 03:43:48 PM - Lượt đọc: 6834
  • Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương thời kỳ kháng chiến chống Pháp
  • Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Những tư tưởng của Người về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có nhiều giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đầy đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mọi giai đoạn cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới, tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay.

    Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã có nhiều chủ trương lớn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 3 và Trung ương 7 (khóa VIII), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII), Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX....

    Ở tỉnh Điện Biên, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Ban cán sự tỉnh Lai Châu (được thành lập ngày 10/10/1949, gồm có 20 đảng viên - nay là Đảng bộ tỉnh Điện Biên) cũng đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện thời điểm này thông qua các lớp "Chỉnh huấn" do Khu ủy đào tạo, thời gian đạo tạo 02 tháng. Tháng 10/1952, Ban cán sự tỉnh Lai Châu đã cử 12 đồng chí tham gia lớp "Chỉnh huấn" Khóa 1 và Khóa 2 do Khu ủy đào tạo, đồng thời xây dựng Kế hoạch đào tạo cho 50 đồng chí (Theo Báo cáo số 23-BC/LC, ngày 10/10/1952 của Ban cán sự Tỉnh). Những đồng chí này sẽ là hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động và đào tạo cho cán bộ địa phương.

    Ngày 29/4/1953, đồng chí Nguyễn Hanh, Ủy viên Thường trực Ban cán sự tỉnh Lai Châu thay mặt Ban cán sự ký ban hành Chỉ thị số 06-CT/LC về việc đào tạo cán bộ địa phương. Nội dung Chỉ thị đã chỉ rõ 04 nguyên nhân dẫn đến những yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương, như: Một là, chúng ta chưa nhận rõ sự cần thiết của phong trào địa phương đối với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương. Hai là, còn có một số đồng chí cho rằng anh em địa phương kém, khó đào tạo, dìu dắt cho nên việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương còn coi nhẹ. Ba là, việc thực hiện chưa cụ thể, tỉ mỉ, còn vội vàng hấp tấp, tham nhiều quá (như 01 cán bộ xã dìu dắt một lúc 12 người ở "Tuần Giáo"). Cũng có nơi dìu dắt người địa phương không dựa vào ý muốn của họ, họ chưa muốn thoát ly đã vội bắt thoát ly, nên họ sinh chán nản vì mất công ăn việc làm, không được gần gũi gia đình. Bốn là, việc chọn lọc cán bộ không chú ý những thành phần cốt cán, như chọn người cho đi huấn luyện, dìu dắt không lấy những phần tử là bần, cố nông, trung kiên cũ, mà lấy những phần tử phú nông, kỳ hào cũ, nên khi gặp hoàn cảnh khó khăn thì sinh chán nản, bỏ về nhà. Mặt khác, không chọn những người từ những tổ chức quần chúng, những người trưởng thành từ đấu tranh cách mạng để đi huấn luyện, đào tạo, dìu dắt, mà lại chọn những người ở ngoài tổ chức, những người chưa trải qua đấu tranh cách mạng, từ trước vẫn áp bức bóc lột nhân dân.

    Từ những nhận định trên, Ban cán sự tỉnh Lai Châu đã đề ra nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương để cung cấp một phần cho nhu cầu công tác của địa phương.

    Thứ nhất, đối với nhiệm vụ đào tạo cán bộ địa phương: Các huyện, các ngành phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ về nhiệm vụ đào tạo cán bộ địa phương, làm cho cán bộ nhận rõ trách nhiệm đối với Đảng, với nhân dân địa phương. Đặt tiêu chuẩn lựa chọn cho thích hợp, không đòi hỏi quá cao; phải thận trọng chọn những phần tử cốt cán (bần cố nông) trung kiên cũ của ta, những người có triển vọng trong phong trào ở địa phương (sản xuất, dân công vv…). Phải đào tạo từ cơ sở lên (ví dụ: Dìu dắt công tác ở bản rồi lên xã, hoặc cho đi huấn luyện thử từ huyện, lên tỉnh, rồi đi khu). Đào tạo cán bộ cơ sở để cho họ phụ trách phong trào địa phương; không nên tham dìu dắt nhiều người trong 1 lúc; khi định dìu dắt ai phải thường xuyên bồi dưỡng cho họ về vật chất, tinh thần, giao công việc phải có kế hoạch tỉ mỉ, khi làm xong phải có kiểm điểm, nêu ra những khuyết điểm, ưu điểm để sửa chữa. Những người đã được tham gia các lớp huấn luyện ở tỉnh, ở khu về địa phương thì huyện, cán bộ phụ trách xã phải theo dõi giúp đỡ họ, giao công việc cho họ ở ngay địa phương để đào tạo dần.

    Thứ hai, đối với nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ địa phương: Phải chú ý bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ địa phương, kiểm điểm rút kinh nghiệm sau từng đợt bồi dưỡng hoặc sau thực hiện nhiệm vụ được giao. Kiên nhẫn giáo dục, giúp đỡ để cán bộ nhận thức rõ khuyết điểm, phân tích nguyên nhân và tìm phương pháp khắc phục. Biểu dương, khen thưởng những đồng chí có thành tích để động viên và làm gương cho những cán bộ khác. Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ địa phương là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, các địa phương, các ngành phải tập trung thực hiện tốt chỉ thị này.

    Với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự tỉnh Lai Châu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương, hơn một năm sau đã có những kết quả bước đầu rất tích cực. Tại Báo cáo số 01-BC-TC/LC, ngày 28/6/1954của Ban Tổ chức tỉnh Lai Châubáo cáo công tác tổ chức xây dựng Đảng 06 tháng đầu năm 1954 đã nêu bật những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó tập trung nhấn mạnh đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương. Cụ thể, báo cáo đánh giá thời gian qua đã đào tạo được 137 cán bộ xã, 819 trung kiên tại các thôn, bản để làm trụ cột cho phong trào quần chúng và nhân dân, 859 phần tử tích cực với tiêu chuẩn là có tinh thần tích cực công tác, chịu khó đi sát với quần chúng nhân dân. Số cán bộ trung kiên và những phần tử tích cực đại đa số là trung, bần nông trải qua các đợt công tác phục vụ chiến dịch, công tác thuế nông nghiệp và công tác xây dựng cơ sở. Việc đào tạo cán bộ và trung kiên trên cơ sở những phần tử tích cực thuộc thành phần bần, cố nông, giúp cho việc kiện toàn bổ sung bộ máy làm việc của các xã hoặc trưởng thôn, trưởng bản. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trung kiên người địa phương đã giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức trong việc thi hành chính sách của Đảng; trình độ lý luận và tư tưởng được nâng cao, lập trường được củng cố vững chắc.

    Về việc đào tạo, bồi dưỡng xây dựng Đảng: Trong toàn Đảng bộ tỉnh đã thành lập được 17 chi bộ, 225 đảng viên, trong đó: 10 chi bộ cơ quan tại các ban, ngành của tỉnh và các huyện; 06 chi bộ thuộc đơn vị bộ đội; 01 chi bộ xã (Khu Mèo, huyện Điện Biên).

    Đồng thời, Ban Tổ chức tỉnh Lai Châu cũng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương trong thời gian này: Một là, dựa vào công tác vận động quần chúng để phát hiện ra những phần tử xuất sắc, tích cực, thuộc thành phần cốt cán, tập trung số quần chúng ấy lại để giáo dục, bồi dưỡng về chính sách, về lập trường và giao cho họ một công việc để họ tập sự. Hai là, phải thảo luận, có kế hoạch để giao nhiệm vụ cho một số cán bộ và trung kiên về họp triển khai với trung kiên ở các thôn, bản để vận động quần chúng thực hiện. Chú ý chỉ giao từng việc một và quy định thời gian hoàn thành. Hướng dẫn, gợi ý cho họ tự giải quyết công việc, làm cho họ tự tin vào khả năng và không ỷ lại vào cấp trên. Ba là, phải thực hiện sơ kết những kết quả đã đạt được và nêu rõ những ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ và trung kiên, lấy những ưu điểm để động viên, lấy những khuyết điểm để phân tích, rút kinh nghiệm tránh lặp lại. Bốn là, việc đào tạo cán bộ ở địa phương nào nên để họ công tác ở địa phương đó, tránh điều động đi nơi khác, gây cản trở cho việc giúp đỡ gia đình sản xuất, nhất là tâm lý người địa phương chưa quen xa nhà. Đặc biệt đối với những gia đình cán bộ gặp khó khăn, huyện phải có kế hoạch giúp đỡ để cán bộ yên tâm công tác. Năm là, kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ lợi dụng chức vụ của mình để vi phạm, tư lợi cá nhân phải có thái độ kiên quyết, cảnh cáo và cách chức, công khai, phổ biến những khuyết điểm, vi phạm đó để cán cán bộ và trung kiên khác tự liên hệ với bản thân để tìm ra khuyết điểm tự sửa chữa, đó là một hình thức rất tốt để giáo dục và bồi dưỡng cán bộ.

    Có thể thấy, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Ban cán sự tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương. Đồng thời đã đề ra những chủ trương, giải pháp rất quyết liệt, đúng đắn; có nhiều giải pháp còn nguyên giá trị đến thời điểm hiện nay.

    Kỳ 2: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1954 - 1975

    Kỳ 3: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1975 - 1986

    Kỳ 4- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1986 - 2003

    Kỳ 5- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ năm 2004 đến nay

    Lý Thanh Tiềm, VPTU

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: