TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Mạnh dạn thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo – điểm mới trong công tác bổ nhiệm cán bộ tại Điện Biên
  • Thời gian đăng: 12/11/2021 10:15:11 AM - Lượt đọc: 8246
  • Trong hơn một thập niên qua, chủ trương thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý là một chủ trương được Đảng và Chính phủ luôn chú trọng [1] nhằm đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xuất phát từ quan điểm, chủ trương của Đảng, của Chính phủ về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, từ những kết quả, thành tựu đạt được trong thực hiện thí điểm Đề án của Bộ Nội vụ “Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng” của những cơ quan, địa phương đi trước trong hơn 3 năm vừa qua [2], nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chủ động phát hiện, thu hút, tạo điều kiện cho những người có đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành tham gia vào hệ thống chính trị, tỉnh Điện Biên đã chủ động nghiên cứu, học hỏi và mạnh dạn xây dựng Đề án số 02-ĐA/TU về “Thí điểm thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành tỉnh”.
  • z2994082551468_47a945add3017bff9e9cd2387a993f39.jpg

    Ban Tổ chức Trung ương là một trong những đơn vị đầu tiên thí điểm thành công phương thức thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý (nguồn ảnh: Vietnamnet)

    Một số nét mới đáng chú ý trong Đề án thí điểm thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành mới được ban hành là cán bộ có thể được bổ nhiệm vượt cấp, phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo hoàn toàn khác cách thức bổ nhiệm hiện nay, tính cạnh tranh được tăng cường, tính công bằng, khách quan, minh bạch trong công tác cán bộ được nâng cao, vừa kế thừa những ưu điểm, vừa khắc phục được điểm hạn chế của phương thức bổ nhiệm truyền thống.

    Thi tuyển vừa để chọn lãnh đạo thực sự có đức, có tài, vừa là cơ hội để cán bộ rèn luyện, thử thách

    Điểm nổi bật trong thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành tỉnh là cán bộ tham gia thi tuyển, ngoài phần thi viết kiến thức chung phải Thuyết trình, bảo vệ Đề án về chương trình hành động của bản thân cán bộ nếu được bổ nhiệm vào vị trí dự tuyển. Để bảo vệ tốt đề án cá nhân, cán bộ cần đánh giá thực trạng, phân tích những ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân hạn chế, yếu kém của cơ quan, đơn vị, lĩnh vực ngành mà mình tham gia thi tuyển, từ đó dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, chương trình hành động, giải pháp phát triển, nhất là đề xuất giải pháp để giải quyết những vấn đề lớn, khó của ngành, cơ quan, đơn vị. Qua đó, tập thể lãnh đạo có thêm dữ liệu để phát hiện, lựa chọn những người có phong cách lãnh đạo, có khả năng truyền cảm hứng, có đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, phù hợp với vị trí tuyển chọn.

    Thông qua thi tuyển, cán bộ tham gia dự thi có cơ hội thử thách, tự đánh giá, sát hạch bản thân mình, thấy được mặt mạnh, mặt hạn chế, có kế hoạch phát huy và tăng cường những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý mà cán bộ tham gia dự tuyển; Hình thức thi tuyển sẽ nâng cao được tính cọ xát để đánh giá thực chất năng lực của cán bộ, ngoài phẩm chất, tiêu chí chung còn bộc lộ bản lĩnh, khả năng, trí tuệ, phong cách lãnh đạo của cán bộ. Thi tuyển cũng tạo động lực để cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ trẻ phấn đấu, rèn luyện, học tập và có cơ hội thể hiện mình. Đặc biệt, nội dung thi tuyển tập trung vào định hướng công việc sau thi tuyển, cán bộ đề xuất được giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương nơi mình phụ trách và đề ra chương trình hành động thực hiện những giải pháp đó như một lời hứa với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và ngành, lĩnh vực tham gia dự tuyển đối với hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của bản thân trong cương vị mới.

    Thi tuyển vừa kế thừa ưu điểm vừa khắc phục những hạn chế của phương thức bổ nhiệm truyền thống

    Lựa chọn cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển vẫn phải lựa chọn trong số cán bộ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của tỉnh và của ngành, lĩnh vực; cán bộ tham gia dự tuyển vẫn phải có hồ sơ đầy đủ, rõ ràng, được thẩm định tiêu chuẩn chính trị như phương thức bổ nhiệm hiện hành. Đối với quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay, cán bộ chưa có thời gian thoả đáng để trình bày chương trình hành động, giải pháp của bản thân để phát triển tổ chức, phát triển ngành, do đó, việc phát hiện người có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt để bổ nhiệm theo phương thức truyền thống còn có những hạn chế nhất định; thực hiện phương thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển khắc phục được tình trạng nể nang, xuôi chiều, ngại va chạm vốn là điểm hạn chế của phương thức bổ nhiệm truyền thống thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp sở, ban, ngành đã được quan tâm, từng bước kiện toàn đảm bảo về số lượng, chất lượng, song thực tế cho thấy ở một số ngành, lĩnh vực vẫn có trường hợp cán bộ sau khi được bổ nhiệm chưa có giải pháp đột phá, có việc trì trệ, hiệu quả chưa cao, có trường hợp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có vi phạm phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trong tình huống này, phương thức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý như một luồng gió mới, khắc phục tình trạng nể nang, tìm ra cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, từng bước tăng cường hơn nữa niềm tin của cán bộ công chức, viên chức cũng như nhân dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đối với công tác cán bộ hiện nay.

    Thi tuyển để tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch

    Việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý còn góp phần làm tăng tính cạnh tranh trong công tác tuyển chọn cán bộ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm nhờ các quy định về mở rộng đối tượng tham gia dự tuyển và quy định về số dư trong thi tuyển ở mỗi chức danh. Kế hoạch thi tuyển sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển chọn để thu hút cán bộ trên toàn tỉnh tham gia. Đề án cũng cho phép ứng viên được đăng ký thi vượt cấp – chẳng hạn như Phó trưởng phòng có thể đăng ký thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở. Đây là một nét mới trong tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, giúp tạo cơ hội cho nhiều cán bộ có điều kiện rèn luyện, thử thách hơn, nâng cao khả năng tìm được tài năng trẻ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý và tăng cường số lượng ứng viên đăng ký dự thi.

    Để đảm bảo tính cạnh tranh, Đề án quy định nguyên tắc số dư khi tổ chức thi tuyển, trong trường hợp người đăng ký tham gia chưa đủ số lượng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ cử thêm người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự thi hoặc quyết định chưa thực hiện việc thi tuyển cho đến khi có đủ số dư tối thiểu người đăng ký tham gia dự tuyển. Đối tượng được đăng ký dự tuyển ngoài cán bộ lãnh đạo, quản lý nằm trong quy hoạch chức danh cần bổ nhiệm, còn mở rộng ra đối với quy hoạch tương đương và cán bộ không nằm trong quy hoạch. Cán bộ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện cũng được tham gia dự tuyển khi được tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề cử. Điều này đã thể hiện sự nghiêm túc, công tâm, khách quan, trách nhiệm của cấp uỷ tỉnh trong việc tìm ra những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng bổ nhiệm khép kín, cục bộ.

    Và những kỳ vọng trong thời gian tới…

    Mỗi hình thức tuyển  chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý đều có những ưu điểm, hạn chế riêng. Tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển là yêu cầu khách quan nhằm đổi mới phương thức bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý hiện nay, tuy nhiên cũng cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong quá trình thí điểm để dần hoàn thiện Đề án và đề xuất hình thức, phạm vi nhân rộng phương thức thi tuyển phù hợp. Việc mạnh dạn xây dựng Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành tỉnh cho thấy mong muốn và nỗ lực của tập thể lãnh đạo trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn tỉnh từ khâu tuyển chọn nhân sự lãnh đạo. Với những nỗ lực cùng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng và những ưu điểm của giải pháp thi tuyển, Đề án kỳ vọng sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh.

    Đẩy mạnh việc thực hiện Đề án thí điểm thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý với phương thức cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch được mong đợi sẽ là luồng gió mới tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh để tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, lĩnh vực của tỉnh, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị tỉnh Điện Biên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.

    -----

    Lê Thị Diệu Thúy, BTCTU

    [1] Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụNghị quyết số 30c/NQ/CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

    [2] Hơn 3 năm thực thiện thí điểm, trên cả nước đã có 12/14 cơ quan trung ương và 17/22 địa phương được lựa chọn tổ chức thí điểm, Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm Đề án đã đánh giá cao những thành quả bước đầu đạt được và nhấn mạnh thực hiện thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước.

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: