TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
  • Thời gian đăng: 08/12/2021 11:24:14 AM - Lượt đọc: 11630
  • Ngày 29/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
  • Slide1.JPG

    Trong những năm qua, hệ thống đô thị của tỉnh có nhiều thay đổi, không gian đô thị được mở rộng, chất lượng đô thị được nâng lên, kiến trúc đô thị có nhiều đổi mới, khang trang, hiện đại hơn và vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của đô thị vùng Tây Bắc. Công tác quy hoạch đô thị được chú trọng, đảm bảo tính toàn diện và đi trước một bước, làm cơ sở thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế và quản lý phát triển đô thị. Các tiêu chí về kiến trúc cảnh quan đô thị, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở; vấn đề về cấp, thoát nước, cây xanh đô thị; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn được quan tâm đầu tư; hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc đáp ứng nhu cầu phát triển của các đô thị.

    Tuy nhiên, việc triển khai chương trình phát triển đô thị của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đạt so với mục tiêu đề ra, đến nay vẫn còn 04 huyện có trung tâm huyện lỵ chưa được công nhận là đô thị (Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ và Điện Biên Đông), thành phố Điện Biên Phủ chưa đạt tiêu chí đô thị loại II, một số chỉ tiêu quan trọng về hạ tầng đô thị (tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị; tỷ lệ thất thoát nước sạch; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý) chưa đạt mục tiêu đề ra. Nhiều dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư để phát triển đô thị bị kéo dài, chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Việc phát triển đô thị chưa bám sát và gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư chưa đảm bảo để thúc đẩy, tạo động lực cho sự phát triển của các đô thị trên địa bàn tỉnh.

    Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và từng bước hiện đại hệ thống đô thị, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tại thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, các thị trấn, thị tứ để từng bước thực hiện các tiêu chí đảm bảo phù hợp với cấp đô thị theo quy hoạch. Với 02 mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cụ thể:

    (1)- Phát triển hệ thống đô thị

    Đến năm 2025, phấn đấu xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II, trung tâm thị xã, thị trấn các huyện đạt tiêu chí đô thị loại V.

    Đến năm 2030, tiếp tục đầu tư phát triển các đô thị theo hướng hiện đại, củng cố các tiêu chí đảm bảo đáp ứng theo quy định.

    (2)- Phát triển kết cấu hạ tầng

    a. Phát triển hạ tầng xã hội 

    - Nhà ở: Diện tích nhà ở bình quân đô thị đạt 24 m2 sàn/người.

    - Công trình công cộng:

    + Đất dân dụng: Diện tích đất dân dụng bình quân đạt 127 m2/người.

    + Đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng đô thị: Diện tích đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng đô thị bình quân đạt 12,7 m2/người.

    + Đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng cấp đơn vị ở: Diện tích đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng cấp đơn vị ở đạt 6 m2/người.

    + Hạ tầng y tế cấp đô thị: Bệnh viện đa khoa, đạt 04 giường/1.000 người. Số trạm y tế có cơ sở hạ tầng bảo đảm quy định của Bộ Y tế đạt 100%.

    + Hạ tầng giáo dục đào tạo cấp đô thị: Nâng tổng số cơ sở giáo dục đào tạo cấp đô thị lên trên 42 cơ sở. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học đạt 100%, phòng nội trú đạt 90%.

    + Hạ tầng văn hóa, thể thao cấp đô thị: Nâng tổng số công trình văn hóa cấp đô thị lên trên 36 công trình, công trình thể thao cấp đô thị lên trên 47 công trình. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thiện và đưa vào khai thác đối với Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn 2; Đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh, Trung tâm văn hóa, điện ảnh tỉnh (trong đó xây dựng mới Rạp chiếu phim), Trung tâm thể dục thể thao tỉnh; Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến 2030.

    + Hạ tầng Trung tâm thương mại dịch vụ: Nâng tổng số công trình trung tâm thương mại dịch vụ đạt trên 51 công trình. Trong đó thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm dịch vụ tổng hợp vùng Tây Bắc và hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch thành phố Điện Biên Phủ đi đôi với bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách để quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả chợ truyền thống, phố ẩm thực, chợ đêm.

    b. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật

    - Giao thông đối ngoại: Phát triển giao thông kết nối chuỗi đô thị trong tỉnh, với các tỉnh trong khu vực, cả nước và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Thái Lan; nghiên cứu tính khả thi của tuyến giao thông đối ngoại kết nối các đô thị của tỉnh với các đô thị khác trong vùng Tây Bắc. Hoàn thành đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

    - Giao thông đô thị: Tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20% trở lên.

    - Mạng truyền tải cao thế, trung thế, hạ thế đáp ứng yêu cầu truyền tải, phục vụ nhu cầu cấp điện cho sản xuất, kinh doanh, đời sống Nhân dân.

    - Hệ thống điện đô thị, cấp điện dân cư, chiếu sáng đô thị: Đầu tư đồng bộ hệ thống điện đô thị, cấp điện dân cư, chiếu sáng đô thị.

    - Tiêu chuẩn cấp điện sinh hoạt khu vực nội thành, nội thị đạt khoảng 525 KWh/người/năm.

    - Tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thành, nội thị được chiếu sáng đạt 100%.

    - Tỷ lệ ngõ xóm được chiếu sáng đạt 90%.

    - Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt khu vực nội thành: 120 lít/người/ngày đêm.

    - Tỷ lệ người dân thành thị được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 85%.

    - Số thuê bao Internet băng rộng di động/100 dân đạt 85 thuê bao Internet/100 dân.

    - Tỷ lệ khu vực dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản, tổ dân phố) được phủ sóng thông tin di động 3G/4G đạt 100%.

    - Xây dựng lộ trình đảm bảo việc quy hoạch và phát triển đô thị thông minh tại các đô thị với việc đảm bảo cung cấp hạ tầng, điều kiện sống cho người dân đô thị.

    - Không còn khu vực ngập úng thường xuyên trong nội thị.

    - Thu gom, xử lý nước thải, chất thải: Nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 60% trở lên. Chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý đạt 88% trở lên.

    - Cây xanh đô thị: Diện tích cây xanh công cộng đạt 10 m2/người.

    Đồng thời đề ra 05 nhiệm vụ trọng tâm: (1)- Hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về trình tự, thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đầu tư xây dựng, đấu thầu, đấu giá, bồi thường giải phóng mặt bằng; (2) Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đô thị; (3)- Xác định các dự án trọng điểm, các dự án lớn ưu tiên đầu tư; (4)- Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố; (5)- Tổ chức rà soát để điều chỉnh kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước.

    Toàn văn Nghị quyết: Tại đây

    Phan Văn Thắng, VPTU.

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: