TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Hội thảo khoa học về việc xây dựng khôi phục Đền thờ “Đức thánh Trần” tại thành phố Điện Biên Phủ
  • Thời gian đăng: 16/02/2025 04:35:30 PM - Lượt đọc: 239
  • Sáng ngày 16/02, tại Hà Nội, UBND tỉnh phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về việc xây dựng khôi phục Đền thờ “Đức thánh Trần” tại thành phố Điện Biên Phủ. Hội thảo lần này nhằm mục đích tiếp tục tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực lịch sử, bảo tồn di sản văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, quy hoạch đô thị. Trước đó, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu, đề xuất phục dựng Đền thờ Đức Thánh Trần tại Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ vào ngày 15/9/2024.
  • Tham dự Hội thảo có đồng chí Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương và địa phương. Cùng dự Hội thảo có các khách mời là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học... đang công tác, giảng dạy, nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu về lịch sử văn hoá...

    ZAP_1097.jpgCác đồng chí chủ trì Hội thảo

    Các tham luận được gửi đến, trình bày tại Hội thảo, như: “Cơ sở, lý do lựa chọn Đồi Cháy để xây dựng đền thờ Đức thánh Trần”; “Đền thờ Đức Thánh Trần trong không gian Quy hoạch Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ”; “Từ những ngôi đền thờ Đức Thánh Trần tiêu biểu ở Đồng bằng Bắc Bộ, phác thảo về một ngôi đền thờ Đức Thánh Trần ở TP. Điện Biên Phủ”; “Địa điểm và lựa chọn địa điểm xây dựng khôi phục đền thờ Đức Thánh Trần ở Điện Biên”; “Phương án Kiến trúc, nội dung và bài trí thờ tự đền thờ Trần Hưng Đạo ở Điện Biên”;...Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ hơn, bổ sung các tài liệu nhằm hoàn thiện cơ sở của việc xây dựng khôi phục Đền thờ “Đức Thánh Trần”; đề xuất vị trí, địa điểm xây dựng Đền thờ; quy mô, kiến trúc xây dựng (gắn với các nhân vật thờ phụng), vật liệu, bài trí nội thất… góp phần đề ra giải pháp, định hướng bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Chiến trường Điện Biên Phủ trong thời gian tới.

    ZAP_1134.jpgPhó GT TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam phát biểu

    Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Cường cho biết theo các chứng cứ lịch sử và người dân địa phương, vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhân dân Điện Biên (tỉnh Lai Châu trước đây) đã xây dựng ngôi đền - lưu truyền là Đền thờ “Đức thánh Trần” tại khu vực đồi cao trung tâm (trước đây, đồng bào dân tộc Thái gọi là Đồi Lạng Chượng), nay là khu vực dãy các Đồi A1 - Đồi F - Đồi Cháy (theo tên gọi của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ) thuộc thành phố Điện Biên Phủ, để thờ phụng, tưởng nhớ công lao to lớn của tiền nhân đã có công hộ quốc, an dân.

    ZAP_0956.jpgĐồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Cường phát biểu tại Hội thảo

    Đồng chí đề nghị các giải pháp, định hướng xây dựng khôi phục Đền Trần theo nguyện vọng của nhân dân Điện Biên cần gắn với quy hoạch di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; về vị trí đề xuất xây dựng Đền Trần tại Đồi Cháy để báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện; về nguồn lực xây dựng công trình tín ngưỡng Đền Trần từ nguồn lực xã hội hóa; về kiến trúc, cần khôi phục ở mức cao nhất kiến trúc Cổng đền theo ảnh tư liệu để lại, bảo đảm phù hợp, hài hoà với tình hình thực tế hiện nay, kết hợp hài hòa nghệ thuật điêu khắc truyền thống của các nhóm cộng đồng cư dân địa phương; có hình thức ghi nhận dấu tích đồi Lạng Chượng tại khu vực các đồi cao,…

     

  • Tin, ảnh: Phan Văn Thắng, VPTU
  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: