TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐIỆN BIÊN
  • Kết quả Hội nghị Báo cáo viên tháng 9, định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới
  • Thời gian đăng: 15/09/2023 03:48:34 PM - Lượt đọc: 5641
  • Sáng ngày 08/9/2023, tại Hà Nội Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên bằng hình thức trực tuyến. Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có Đồng chí Lò Thị Minh Phượng, Uỷ viên BTVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và 95 đại biểu là các đồng chí báo cáo viên cấp Trung ương tại tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên Ban Tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc, các đồng chí báo cáo viên Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh... Điểm cầu cấp huyện và cấp xã: Có 8 điểm cầu cấp huyện với 407 đại biểu, 33 điểm cầu cấp xã với 560 đại biểu; Tổng cả tỉnh có 42 điểm cầu với 1.062 đại biểu tham dự.

    Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe báo cáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin chuyên đề: “Những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 và định hướng lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới”; báo cáo viên của Bộ Ngoại giao thông tin chuyên đề: “Cạnh tranh chiến lược nước lớn hiện nay – Tác động và chính sách của Việt Nam.

    Kết thúc Hội nghị đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp tập trung tuyên truyền:

    - Về những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 và định hướng lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới:

    (1) Thời gian qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết 29 được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng lên. Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhiều đổi mới, nhất là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

    (2) Chủ đề năm học 2023 - 2024: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục” phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay, thể hiện sự quyết tâm của ngành giáo dục trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là vấn đề quan trọng hàng đầu, giúp học sinh hình thành nhân cách, phẩm chất tốt đẹp, trở thành người công dân có ích cho xã hội.

    (3) Tuyên truyền sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp giáo dục; không khí hồ hởi, phấn khởi, lạc quan của thầy và trò khi bước vào năm học mới 2023 - 2024; những tấm gương tiêu biểu trong dạy và học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

    - Về cạnh tranh chiến lược nước lớn hiện nay - Tác động và chính sách của Việt Nam:

    (1) Quan hệ giữa các nước lớn luôn là vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế. Các nước lớn vừa có sự thỏa hiệp, hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, trong đó mặt cạnh tranh ngày càng có biểu hiện gia tăng. Điều này xuất phát từ các yếu tố, như bối cảnh tình hình quốc tế, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, dẫn đến sự dịch chuyển cán cân quyền lực trên toàn cầu.

    (2) Với vị thế địa - chính trị quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có một vị trí, tầm quan trọng ngày càng gia tăng trong điều chỉnh chính sách của các nước lớn cũng như cạnh tranh ảnh hưởng của các nước đó. Nằm trong vòng xoáy chiến lược cạnh tranh, Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các diễn biến của các nước lớn.

    (3) Bối cảnh đó mở ra cho Việt Nam không ít cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải theo dõi sát sao, thích ứng thỏa đáng, linh hoạt. Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII là độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

    -Về tình hình kinh tế - xã hội:

    (1) Bối cảnh thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

    (2) Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Trong 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD); khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế nước ta.

    (Tại cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia, ngày 05/9/2023, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, ông Klaus Schwab đã đánh giá: Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19).

    (3) Tập trung tuyên truyền sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; làm nổi bật những nhiệm vụ, giải pháp lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.

    - Về các hoạt động đối ngoại, sự kiện quốc tế quan trọng:

    Tuyên truyền kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-29/8/2023 của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; nhấn mạnh chuyến thăm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, nhất là về kinh tế số - kinh tế xanh. Đây là lĩnh vực ưu tiên phát triển của cả Việt Nam và Singapore và là lĩnh vực hợp tác có rất nhiều dư địa, tiềm năng to lớn giữa hai nước trong những năm tới.

    Tuyên truyền kết quả Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan; khẳng định: Hội nghị có ý nghĩa quan trọng; các nhà lãnh đạo đã thảo luận những vấn đề chiến lược tác động đến khu vực, tiến trình phát triển của ASEAN, các biện pháp nâng tầm và tạo động lực cho hợp tác ASEAN thời gian tới, cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

    Phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các nước ASEAN khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế, duy trì ổn định chuỗi cung ứng nội khối, nhằm nâng cao sức chống chịu của khu vực trước các tác động, thách thức từ bên ngoài; cho rằng, ASEAN cần xác định bảo đảm hòa bình, an ninh, khu vực đầu tiên và trước hết là trách nhiệm và nỗ lực tự thân của chính ASEAN. Muốn vậy, các nước thành viên ASEAN phải nêu cao tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ, tự cường; và tinh thần này phải được thể hiện bằng cả lời nói và hành động. Chỉ có như vậy, vai trò của ASEAN mới có thể phát huy thực chất và nhận được sự coi trọng trên thực tế của các đối tác, nhất là các nước lớn.

    Tuyên truyền chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nhấn mạnh:

    (1) Đây là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013 - 2023), đánh dấu lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó Tổng thống thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ.

    (2) Chuyến thăm góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có những nội dung mang tính chất chiến lược. Những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, và nhất là sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

    (3) Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam nói chung và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng; khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Hoa Kỳ.

  • BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
    Liên kết web
  • Thống kê truy cập
    Tổng truy cập: